Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Giảm thuế bao nhiêu cho vừa?

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo dự thảo mới nhất, thuế TNDN sẽ được điều chỉnh từ mức 25% hiện nay xuống còn 23%, riêng lĩnh vực báo chí chỉ chịu thuế 10%.

Mức thuế thu nhập doanh nghiệp mới sẽ khiến doanh nghiệp dễ thở hơn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Chặn lỗ hổng trốn thuế
Những doanh nghiệp (DN) có quy mô vừa và nhỏ sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%.
Cùng với đó, quy định chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí được áp dụng đại trà ở mức 15%, thay vì chỉ được áp dụng trong ba năm đầu với DN mới thành lập như trước đây.
Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, Luật thuế TNDN hiện hành không có quy định về vốn mỏng (DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu rất ít) đã dẫn đến việc nhiều DN vay vốn vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính, gây thất thu ngân sách nhà nước. Thực tế, hiện tượng “tránh thuế” theo cách tận dụng “vốn mỏng” của các DN ngày càng trở nên phổ biến.
Trong khi đó, đa số các nước như New Zealand, Đức, Úc, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Chile…, quy định vốn vay của doanh nghiệp trên vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần thì được coi là vốn mỏng.
Bộ Tài chính đề nghị, bổ sung quy định không tính vào chi phí được trừ đối với phần chi trả lãi vay của khoản vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu.
Đối với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng được áp dụng tỷ lệ cao hơn nhưng không quá 10 lần vốn chủ sở hữu. Thời hạn thực hiện từ ngày 1-1-2016.
Dự thảo cũng bổ sung quy định miễn thuế TNDN đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng lần đầu chứng chỉ giảm phát thải (CERs); miễn thuế đối với phần thu nhập thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội và Quỹ Đầu tư phát triển địa phương cũng như miễn thuế đối với phần thu nhập để lại để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học.
Có nên khống chế chi phí quảng cáo?
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho rằng, quy định đặt mức khống chế chi phí khuyến mại, quảng cáo có thể hạn chế ở mức nào đó hiện tượng lẩn tránh thuế của doanh nghiệp, hạn chế thất thu cho ngân sách.
Tuy nhiên, quy định này đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp vì thực tế đã chi cho các hoạt động khuyến mại, quảng cáo để xây dựng thương hiệu của DN luôn ở mức rất cao.
Hơn nữa, vì chiến lược, quy mô, ngành nghề khác nhau nên nhu cầu quảng cáo, khuyến mãi, quảng bá thương hiệu của các doanh nghiệp là khác nhau, nên việc khống chế chi phí này sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
“Việt Nam là một trong ít nước trên thế giới có quy định về mức khống chế như trên đối với chi quảng cáo và khuyến mãi. Điều này làm cho chi phí thuế thực của doanh nghiệp tăng lên trung bình khoảng 42% – 80% so với chi phí thuế danh nghĩa, tùy trường hợp. Đây là một điểm hạn chế lớn trong quá trình ra quyết định đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước và cần được bãi bỏ”- ông Tuấn đánh giá.
Bà Nguyễn Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng, việc giảm thuế suất tạo điều kiện cho DN có thêm phần lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều phát sinh các khoản chi thực tế như chi cho các tổ chức đoàn thể (đoàn thanh niên, công đoàn…), chi tang lễ cho người lao động và tứ thân phụ mẫu nhưng không được trừ khi tính thuế TNDN, gây khó khăn cho doanh nghiệp và thiếu tính nhân văn. Vì vậy cần bổ sung thêm các khoản chi này được trừ vào chi phí của DN.
Cơ quan báo chí chịu thuế TNDN 10%
Điểm đáng chú ý trong dự thảo, thu nhập từ hoạt động xuất bản và hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí sẽ được áp dụng thuế suất 10%.
Những hoạt động khác của cơ quan báo chí như chuyển nhượng bất động sản, tổ chức sự kiện, kinh doanh khách sạn, du lịch thì nộp theo mức thuế suất chung.
Theo đánh giá của cơ quan xây dựng dự thảo, việc giảm thuế này do thực tế thời gian qua, hoạt động phát hành của các cơ quan báo chí bị lỗ và phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Theo số liệu quyết toán thuế năm 2011, tính riêng 4 đài truyền hình lớn đã nộp thuế TNDN 536,3 tỷ đồng.
Trong đó, đài truyền hình Hà Nội nộp thuế TNDN 10,92 tỷ đồng, đài truyền hình Việt Nam nộp 277,97 tỷ đồng, đài truyền hình TPHCM nộp 154,3 tỷ đồng, đài truyền hình Vĩnh Long nộp 93 tỷ đồng.
Phạm Tuyên
Theo Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)