Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm loét dạ dày – cần điều trị đúng cách

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhân thường phải chịu đựng những cơn đau khi bị VLDD (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: L.Đ.LONG

Viêm loét dạ dày (VLDD) là bệnh tiêu hóa thường gặp ở tuổi trung niên, nhất là nam giới. Tuy vậy, có nhiều trường hợp trẻ em dưới 10 tuổi cũng có khả năng mắc bệnh. Nó thường diễn biến dai dẳng, dễ phát triển thành mãn tính, gây đau đớn cho bệnh nhân, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Căn bệnh khó chữa
BS. Bùi Hữu Hoàng – Trưởng phân khoa Tiêu hóa – Gan mật Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết: “VLDD là căn bệnh khó chữa. Có nhiều nguyên nhân gây loét dạ dày, trước tiên là do ăn uống thiếu điều độ, hút nhiều thuốc lá, rượu bia; tâm trạng lo âu; sử dụng dài hạn các loại thuốc kháng viêm giảm đau, đôi khi trầm trọng thêm vào các đợt cúm ho, phải uống thuốc kháng sinh, hoặc khi bị mất ngủ, chịu áp lực công việc căng thẳng, stress… làm cho dạ dày tiết nhiều axit hơn. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng giữa lớp nhầy và axit có trong dạ dày gây nên bệnh VLDD. Triệu chứng lâm sàng của VLDD thường là: Đau bụng trên hoặc vùng thượng vị (vùng bụng trên, ngay dưới ức), ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn; Đói đau, no quá cũng đau. Đang đói, đau, ăn nhẹ thì hết đau. Đau tăng khi ăn các thức ăn như chuối tiêu, dứa, dưa chua; Xuất huyết (nếu có): Phân đen, mịn như cà phê hoặc nôn ra máu đỏ, da xanh tái, tim đập nhanh, vã mồ hôi, giảm huyết áp. Trước đây, để chẩn đoán loét dạ dày, người ta thường dựa vào triệu chứng mà bệnh nhân mô tả và chụp X quang dạ dày, có uống chất cản quang nhưng đôi khi biện pháp này không chính xác. Hiện nay, nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất. Tuy nhiên, phương pháp này thường làm bệnh nhân khó chịu và đau nên nhiều người rất ngại khi đi nội soi dạ dày”.
Cũng theo BS. Bùi Hữu Hoàng thì VLDD rất dễ gây biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa hay chảy máu đường tiêu hóa (bệnh nhân cần được nhập viện ngay để điều trị cấp cứu); thủng dạ dày tá tràng (xuất hiện cơn đau bụng đột ngột, dữ dội ở vùng thượng vị, thường có nôn ói và bụng cứng như gỗ. Biến chứng này phải mổ cấp cứu, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong); hẹp môn vị; ung thư dạ dày…
Cần điều trị đúng cách
Omeprazol được kê đơn để điều trị ngắn ngày bệnh loét tá tràng. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng hơn 90% số trường hợp loét tá tràng sẽ liền trong vòng bốn tuần khi uống omeprazol. Thuốc cũng được dùng trong điều trị viêm thực quản trào ngược. Nên uống omeprazol trước khi ăn sáng, không nên mở, nghiền hoặc nhai viên thuốc.
Khi bị bệnh này, ngoài việc dùng thuốc, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng, làm giảm tác động của axit tiết ra trên niêm mạc dạ dày. Bệnh nhân cần tránh lao động nặng, nên ăn nhẹ đặc biệt vào ban đêm, không hút thuốc lá, tránh các thức ăn kích thích và khó tiêu. Người bệnh cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, từ 5 đến 6 bữa/ngày. Điều này giúp giảm thiểu cảm giác căng của dạ dày và giảm tiết axit của dạ dày. Lưu ý ăn uống đều đặn, không ăn quá no hoặc bụng quá đói để dạ dày luôn có thức ăn và trung hòa axit giúp giảm cơn đau. Nên ưu tiên nhóm thực phẩm tinh bột như cơm, bột mì, bột năng, bánh hoặc gạo nếp… Chúng có tác dụng giảm tiết dịch vị, dễ thẩm thấu qua niêm mạc dạ dày. Uống thêm sữa, trứng để cung cấp nguồn chất đạm giúp trung hòa axit. Ngoài ra, lượng chất béo có trong nhóm thực phẩm này có tác dụng ức chế việc tiết dịch dạ dày, gia tăng thời gian lưu trữ thức ăn trong dạ dày. Chế biến mềm, nhừ thức ăn đồng thời ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt áp lực cho dạ dày. Bệnh nhân cần tránh ăn quá nóng hoặc lạnh; Trà, cà phê đậm, rượu và thuốc lá; Gia vị như tiêu, ớt, giấm, mù tạt, sữa chua, hoa quả chua, dưa chua cà muối, thức ăn lên men như tương, chao, mắm; Thực phẩm sống và thô, cứng chứa nhiều chất xơ như đậu đỗ, gạo lứt, một số loại rau trái (ăn rau cần chọn lá non).
NHẬT NAM

Bình luận (0)