Mất ngủ là căn bệnh mãn tính, thường kéo dài một tháng hoặc lâu hơn, và đặc trưng của bệnh này là cảm thấy rất khó ngủ.
Mất ngủ khiến cơ thể suy kiệt – Ảnh: Shutterstock
Tiến sĩ Steven Feinsilver, Giám đốc Trung tâm Y học về giấc ngủ tại Bệnh viện Mount Sinai ở TP.New York (Mỹ) cho biết mất ngủ có thể gây nhức đầu, đau lưng, khó chịu, giảm khả năng miễn dịch và các vấn đề sức khỏe khác. Những người có chất lượng giấc ngủ kém có nguy cơ cao mắc các bệnh từ trầm cảm đến cao huyết áp và chết sớm.
Ai cũng có thể bị mất ngủ. “Một số người chỉ đơn giản là bộ não của họ hoạt động tốt hơn vào ban đêm. Họ cũng có thể lớn lên với một lịch trình thức – ngủ không khoa học hoặc đó là một thói quen đã ăn sâu vào cuộc sống khiến giấc ngủ bị xáo trộn”, tiến sĩ Feinsilver nói. Theo The Huffington Post, nếu bị mất ngủ vì lý do này, phương pháp điều trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức có thể giúp điều chỉnh lại hoạt động của bộ não, từ đó có thể chữa được chứng mất ngủ.
Căng thẳng, lo lắng. Khi một người từng có những giấc ngủ bình thường bỗng đột nhiên có vấn đề suy giảm hoặc rối loạn giấc ngủ, các nhà nghiên cứu tin rằng nguyên nhân có thể xuất phát từ một sự kiện căng thẳng nào đó (trước một kỳ kiểm tra hay trước một kế hoạch đám cưới). Ban đầu giấc ngủ sẽ bị gián đoạn, sau đó tình trạng mất ngủ tiếp tục, ngay cả sau khi sự kiện căng thẳng đã qua.
Mất ngủ liên kết với trầm cảm. Theo tiến sĩ Feinsilver, trầm cảm có thể gây mất ngủ và mất ngủ có thể gây trầm cảm, và chúng ta thường rất khó phân biệt yếu tố nào đến trước. Một nghiên cứu gần đây ở Úc phát hiện rằng mất ngủ có liên quan đến trầm cảm, rối loạn lo âu tổng quát và hoảng loạn. Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng mất ngủ, ngoài việc lo lắng hoặc trầm cảm có thể thúc đẩy hành vi rối loạn của một vài cá nhân. Tương tự, một nghiên cứu tại Canada năm 2013 cho thấy điều trị hai điều kiện (mất ngủ và trầm cảm) đồng thời có thể cải thiện các triệu chứng của cả hai.
Thuốc không giải quyết được vấn đề. Nếu muốn chữa chứng mất ngủ, thuốc không phải là câu trả lời tối ưu. Thuốc ngủ có thể giúp tái khởi động giấc ngủ, nhưng sử dụng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều thực sự quan trọng để có được giấc ngủ tốt là theo các quy tắc: giữ phòng ngủ tối và mát mẻ; tránh caffeine ít nhất 12 giờ trước khi đi ngủ; đi ngủ vào cùng một thời điểm hằng đêm; không ngủ “nướng” vào cuối tuần; ngủ một giấc ngắn vào buổi trưa. Với những người không nhận được 7-8 giờ ngủ vào ban đêm, giấc ngủ ngắn vào ban trưa rất hữu ích, nhằm lấy lại năng lượng cho cơ thể.
Bài thuốc từ… nhà bếp. Một nghiên cứu tại Đại học bang Louisiana (Mỹ) gần đây cho thấy uống nước trái cây có vị chua như anh đào trước khi đi ngủ giúp cải thiện các triệu chứng mất ngủ ở người lớn tuổi. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trước đây cũng đã gợi ý các biện pháp thảo dược như trà hoa cúc cũng giúp ích cho những người mất ngủ, do chúng chứa các chất làm xoa dịu tâm trí và gây cảm giác buồn ngủ.
Nghĩ đến mất ngủ, càng mất ngủ. Tiến sĩ Feinsilver khuyến cáo để không bị giấc ngủ gây ảnh hưởng đến sức khỏe hãy tìm cách gạt bỏ ý nghĩ bị mất ngủ ám ảnh trong đầu, bởi một khi bạn càng nghĩ về nó, bạn càng khó ngủ hơn. Một trong những phương pháp giúp loại bỏ ý nghĩ mất ngủ là thông qua thiền định. Trong một nghiên cứu gần đây từ Đại học Rush ở Chicago (Mỹ), các nhà khoa học phát hiện những người mất ngủ thực hành thiền chánh niệm trong 8 tuần, có xu hướng cải thiện được giấc ngủ tốt hơn và tỷ lệ mất ngủ cũng giảm đáng kể so với những người không thực hiện phương pháp này.
Ngọc Khuê (TNO)
Bình luận (0)