Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khai kênh xuất khẩu hàng hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Vẫn còn nhiều thuận lợi và cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nếu chúng ta tìm hiểu kỹ luật lệ, tận dụng tốt các cơ chế ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mang lại. Đây là nhận định chung của hầu hết các tham tán thương mại Việt Nam khi bàn về tình hình xuất khẩu năm 2013.

Cơ hội thị trường mới

Tại EU – một trong 3 thị trường xuất khẩu lớn của VN, cũng đang trong giai đoạn đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và VN. Một khi hiệp định được ký kết, EU với dân số 500 triệu dân sẽ mở ra cơ hội mới cho hàng hóa VN. Tương tự, với Nhật Bản và Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cũng ngày càng gia tăng do các quốc gia này vẫn có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng có thâm dụng lao động, vốn là thế mạnh của VN. Mặt khác, Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng đã trở thành các đối tác kinh tế quan trọng của VN, thông qua các hiệp định kinh tế toàn diện đã được ký kết, mở đường cho hàng Việt.

Riêng Myanmar, được ví là “mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á”, trong những năm gần đây nổi lên là thị trường đầy tiềm năng. Trong tâm trí của người dân Myanmar, hàng hóa của VN được đánh giá rất cao, thông qua các chuyến hàng hỗ trợ thương mại của Chính phủ cho quốc gia này. Với dân số hơn 60 triệu người, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 500 USD và đang tăng nhanh, khoảng 30% dân số trung và thượng lưu có xu hướng tiêu dùng hơn là tiết kiệm, trong khi nền sản xuất còn yếu, đến 90% hàng tiêu dùng phải nhập khẩu… sẽ là cơ hội cho hàng hóa VN thâm nhập vào thị trường này.

May veston xuất khẩu tại Tổng Công ty may Nhà Bè. Ảnh: PHAM KIM NGÂN

Bên cạnh những mặt thuận lợi, các tham tán thương mại cũng cảnh báo nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của VN vẫn còn nhiều khó khăn nội tại. Để bảo hộ sản xuất trong nước, các quốc gia liên tục dựng lên các rào cản thương mại khắt khe hoặc đưa ra những biện pháp khác nhau để hạn chế hàng nhập khẩu.

Theo đó, hàng Việt cũng phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa từ các nước. Trong bối cảnh đó, sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) VN rất yếu vì họ đang phải gánh quá nhiều chi phí như lãi suất ngân hàng quá cao; thiếu thông tin hoặc ngộ nhận về thị trường…

Cụ thể, tại Myanmar, đến thời điểm này trong suy nghĩ của nhiều DN VN vẫn cho rằng, quốc gia này có trình độ phát triển thấp… Trong khi đó, từ nhiều năm qua Myanmar đã vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, tư bản chủ nghĩa. Họ có mối quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia hàng đầu thế giới. Myanmar đã từng đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo; quy hoạch về hạ tầng, xã hội cũng rất tiến bộ…

Theo ông Vũ Cường, Tham tán Thương mại tại Myanmar: “Tiến trình phát triển kinh tế tại Myanmar đang diễn ra rất nhanh, cũng đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh tại đây sẽ qua nhanh. Nếu DN VN có những suy nghĩ không đúng, dẫn đến tư tưởng kinh doanh dạng “hớt váng” thì sẽ rất khó tận dụng cơ hội vàng từ thị trường này”.

Đẩy mạnh quảng bá, kinh doanh bài bản

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Thương mại VN tại Nhật Bản phân tích: Mỗi thị trường có đặc điểm khác nhau, do vậy các DN cần tìm hiểu kỹ, tận dụng tốt lợi thế từ các đối tác để tìm kiếm cơ hội hợp tác theo hướng đôi bên cùng có lợi. Ông Nguyễn Bảo, Tham tán Thương mại VN tại Australia, cũng cho rằng, trong xuất khẩu, các DN cần phải tính chuyện đường dài, làm ăn cần bài bản và có thái độ cầu thị. Nếu kinh doanh theo kiểu “ăn xổi”, sẽ khó tránh khỏi các vụ kiện tụng không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn làm mất hình ảnh quốc gia.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, VN đã và đang thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại theo kiểu tìm hiểu thị trường nhưng hiệu quả không cao. Chúng ta nên chọn xúc tiến qua các hội chợ phù hợp với từng ngành hàng, chi phí có thể cao, nhưng hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều. Kinh nghiệm từ các nước cũng cho thấy cần có sự hỗ trợ cho các DN nước ngoài vào VN mua hàng tại VN; đồng thời hỗ trợ thích đáng cho các phương tiện truyền thông của nước ngoài vào VN viết bài, quảng bá về hàng hóa, dịch vụ VN. Đẩy mạnh hoạt động các hiệp hội ngành hàng ở các nước sở tại (tổ chức đoàn mua hàng vào VN), “đấu tranh” lại với các phương tiện thông tin đại chúng ở nước sở tại khi đưa tin không đúng sự thật về DN và hàng hóa… cũng là những việc làm rất hữu ích để bảo vệ hàng hóa VN trên thị trường thế giới.

Theo ông Koos Van Eyk, Giám đốc chương trình CBI tại VN, nhiều DN nhập khẩu của EU đang có xu hướng không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc nên đã tìm kiếm đến những thị trường khác, trong đó có VN, để đặt hàng. Để đón nhận kịp thời xu hướng này, các DN cần tìm hiểu kỹ các yêu cầu về pháp lý, tiêu chuẩn về sản phẩm, theo dõi tiến trình ký kết hiệp định, đồng thời nhà nước và DN cần có sự hợp tác trên bình diện vĩ mô trong việc xây dựng chiến lược xuất khẩu, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và DN VN để đáp ứng được các mục tiêu, khai thác tốt các lợi thế sẵn có.

THÚY HẢI (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)