Xông lâu hay mau, cho ra nhiều hay ít mồ hôi phải phù hợp với từng người và từng chứng trạng. Người già yếu suy nhược, sốt do siêu vi, phụ nữ có thai thì không nên xông
Ảnh: minh họa – Internte |
Từ lâu, y học cổ truyền đã biết điều trị bệnh qua hình thức xông hơi. Thông thường, nồi xông có thể sử dụng một vài loại lá có tinh dầu thơm để cảm thấy dễ chịu và thêm tính sát trùng đường hô hấp qua hơi thở.
Xông một lần bằng đi bộ 45 phút
Ở nông thôn, nông dân thường nấu một nồi nước xông gồm các thứ lá như sả, tía tô, tre, bưởi, chanh, tràm. Đổ nước vào nồi vừa ngập phủ phần lá cây, đậy kín nắp, nấu sôi.
Người xông cởi trần ngồi trên một ghế thấp. Đặt nồi nước xông trước mặt, giữa 2 chân. Trùm kín người và nồi xông bằng tấm chăn. Lúc đầu, chỉ mở hé nắp nồi để hơi nóng chỉ xông đến phần bụng và chân. Khi đã quen với sức nóng, có thể mở nắp nồi rộng hơn để hơi nóng bốc lên tùy theo sức chịu đựng của người xông.
Khi hơi nóng đã giảm, dùng đôi đũa xốc lá cây trong nồi để giúp hơi nóng tiếp tục bốc lên. Khi lượng mồ hôi tiết ra đã vừa đủ hoặc nồi xông không còn bốc hơi nóng thì tung chăn ra và dùng khăn lau khô khắp người trước khi thay quần áo. Đó là cách xông hơi truyền thống.
Ngày nay, ngoài xông hơi truyền thống bằng hơi nước nóng còn có xông hơi khô bằng đá nóng hoặc bằng công nghệ sóng ánh sáng.
Xông hơi 20 – 30 phút sẽ tiêu hao năng lượng tương đương đi bộ 45 phút hoặc hoạt động mạnh 25 phút, thúc đẩy tiêu hao lượng mỡ dư thừa, giúp giảm cân và ngăn chặn béo phì.
Giảm stress
Quá trình xông hơi vừa làm dãn nở mạch máu ngoại biên vừa tăng tiết mồ hôi để thông thoát bớt nước ra khỏi cơ thể. Cả hai yếu tố này đều có tác dụng giảm nhẹ áp lực lên tim và thành mạch.
Việc bài tiết nước ra khỏi cơ thể bằng đường mồ hôi không những không làm mệt thận mà còn tránh được những phản ứng phụ không cần thiết khi phải dùng những chất thuốc lợi tiểu để làm hạ huyết áp. Ngoài ra, do tính tương tác giữa thần kinh và cơ, việc dãn nở những cơ trơn của thành mạch máu còn có tác dụng điều hòa thần kinh giao cảm. Đây cũng là lý do cho thấy xông hơi có thể giải tỏa căng thẳng và giảm stress.
Xông hơi nhẹ từ 1 đến 3 lần/tuần rất hữu ích cho người có tiền sử hoặc đang đồng hành cùng huyết áp cao, giúp tăng cường giải độc cho nhiều trường hợp khác nhau mà không phải đưa vào cơ thể bất cứ dược chất gì.
Chỉ nên 2 – 3 lần/tuần
Nhiều người cho rằng xông là tốt nên ngày nào cũng xông và mỗi lần thường cố xông cho lâu. Như vậy là không tốt vì ra quá nhiều mồ hôi có thể làm tổn thương âm huyết và hao hụt cả dương khí.
Xông lâu hay mau, cho ra nhiều hay ít mồ hôi phải phù hợp với yêu cầu của từng người và từng chứng trạng. Xông giải cảm thì chỉ xông một lần. Người trẻ, khỏe, mập mạp có thể cho ra nhiều mồ hôi hơn người yếu, gầy, cao tuổi; người dễ ra mồ hôi cũng chỉ nên cho ra ít mồ hôi mỗi lần. Người già yếu suy nhược, bệnh nặng, sốt do siêu vi, phụ nữ có thai thì không nên xông.
Cần ghi nhận tình trạng cơ thể sau mỗi lần xông. Chỉ nên tiếp tục xông khi có cảm giác thoải mái sau mỗi lần xông. Ngược lại, nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc chóng mặt sau mỗi lần xông thì không nên tiếp tục xông.
Nên uống bù nước sau khi xông bằng một ly nước trà gừng nóng hoặc nước chanh nóng, không dùng các loại nước ướp lạnh hoặc nước đá liền sau khi xông. Đối với người bình thường, chỉ nên xông hơi 2 – 3 lần/tuần, mỗi lần chỉ nên xông tối đa 20 – 30 phút.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung
Người Lao Động
Người Lao Động
Bình luận (0)