Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

TP Hồ Chí Minh thu hút đầu tư khởi sắc

Tạp Chí Giáo Dục

Dù còn chịu ảnh hưởng khó khăn của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhưng những tháng đầu năm 2013 tình hình thu hút đầu tư của TPHCM đang có dấu hiệu khởi sắc, nhất là sự tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI. Điều này cho thấy, sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của TP.

Nhiều doanh nghiệp FDI tăng vốn đầu tư

Điển hình cho sự thu hút đầu tư của TPHCM những tháng đầu năm là vào cuối tháng 3 vừa qua, UBND TPHCM chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MTV Sanofi Việt Nam, thuộc Tập đoàn Sanofi Aventis và giấy chứng nhận điều chỉnh dự án cho Công ty TNHH Nidec Tosok Việt Nam thuộc Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) với nguồn vốn đầu tư của mỗi dự án lên đến gần 100 triệu USD.

Theo đó, ngay từ đầu năm 2013, Tập đoàn Nidec quyết định tăng thêm vốn đầu tư của Công ty Nidec Tosok Việt Nam thêm 95,81 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư dự án tại KCX Tân Thuận lên 205,6 triệu USD.

Còn Công ty TNHH MTV Sanofi Việt Nam cũng quyết định đầu tư dự án nhà máy sản xuất và trung tâm nghiên cứu dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng tại Khu công nghệ cao TPHCM với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD. Đây là nhà máy thứ 3 của Sanofi tại Việt Nam và là dự án có vốn đầu tư lớn nhất của Sanofi tại Việt Nam. Nhà máy mới này sẽ giúp nâng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân Việt Nam và phục vụ xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.

Dù kinh tế còn khó khăn nhưng ngay từ đầu năm 2013, Tập đoàn Nidec quyết định tăng thêm vốn đầu tư của Công ty Nidec Tosok Việt Nam. (Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Nidec Tosok Việt Nam ở KCX Tân Thuận).

Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (gọi tắt Hepza), những tháng đầu năm 2013, thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước có dấu hiệu khởi sắc. Dự ước đến hết quý 1 năm 2013, tổng vốn đầu tư thu hút tăng 21,44% so với cùng kỳ năm 2012 do một số dự án đầu tư mở rộng sản xuất. Trong đó, đầu tư nước ngoài đạt 122,65 triệu USD, tăng 80%; đầu tư trong nước đạt 21,83 triệu USD, giảm 57,35%. Trong quý 1 năm 2013, Ban Quản lý tiếp đón nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư trong KCX-KCN và thủ tục bổ sung thêm chức năng, ngành nghề để mở rộng đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, tính đến ngày 31-3, có 78 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 159,8 triệu USD (so với cùng kỳ giảm 19,6% về số dự án và tăng 109,4% về vốn). Ngoài ra, có 26 dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư 175,3 triệu USD. Nhìn chung, số dự án cấp mới tuy giảm nhưng tổng vốn đầu tư tăng và số vốn điều chỉnh tăng cao hơn nhiều so cùng kỳ đã cho thấy dấu hiệu của sự tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI, đồng thời cũng thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của TPHCM.

Đánh giá về tình hình thu hút đầu tư tại TPHCM những tháng đầu năm, ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban Thường trực Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM, cho rằng: Sở dĩ những tháng đầu năm tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng thu hút đầu tư có dấu hiệu khởi sắc do hiện nay các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại KCX-KCN làm ăn hiệu quả và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, các nhà đầu tư lớn của nước ngoài cũng có tầm nhìn về triển vọng của nền kinh tế TPHCM nên quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, thời gian qua các sở, ngành TP đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục khó khăn khi đầu tư vào TP, như cải cách thủ tục hành chính nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư.

Hỗ trợ nhanh và hiệu quả

Liên quan đến tình hình thu hút đầu tư vào TPHCM, UBND TPHCM vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan đổi mới công tác thu hút đầu tư và quản lý vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó ưu tiên thu hút làn sóng đầu tư mới, các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong nước; hạn chế tiếp nhận các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất, tiêu tốn năng lượng, khai thác không gắn với chế biến.

Đẩy mạnh thu hút và giải ngân các nguồn vốn FDI. Phối hợp các sở, ban ngành, UBND các quận-huyện rà soát, kiểm tra tình hình triển khai các dự án đầu tư lớn đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chậm triển khai, các trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện để thu hồi hoặc chuyển giao cho chủ đầu tư khác; chủ động xử lý theo thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện đầu tư nhanh chóng, hiệu quả.

Trong khi đó, nhằm đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư vào các KCX-KCN, Hepza cũng đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian tới.

Cụ thể, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCX-KCN theo quy hoạch, tập trung vào 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, gồm: cơ khí, điện tử – tin học, hóa chất và chế biến lương thực – thực phẩm.

Nghiên cứu, xây dựng đề án hình thành khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, dự kiến thực hiện tại KCN Đông Nam; tìm kiếm đối tác Nhật Bản có tiềm năng để đầu tư cơ sở hạ tầng KCN.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, khai thác các khu công nghiệp đã sẵn sàng quỹ đất gồm: KCX Tân Thuận, KCN Tân Phú Trung, Đông Nam, An Hạ, Hiệp Phước – giai đoạn 2, Tân Tạo, Tây Bắc Củ Chi.

Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xúc tiến thương mại – đầu tư TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Phát triển hạ tầng KCX, KCN vận động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, tập trung vào các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Mỹ, Canada.

ĐÌNH LÝ (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)