Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chờ đóng thuế đất theo giá thị trường, dân thiệt đủ bề

Tạp Chí Giáo Dục

Nghị định 69/2009 của Chính phủ quy định tiền sử dụng đất phải nộp theo giá thị trường. Gần 4 năm qua, hàng ngàn hồ sơ của người dân có phần diện tích đất vượt hạn mức xin chuyển mục đích sử dụng đất, hợp thức hóa nhà đất trên địa bàn TPHCM đã bị ách lại do TP vẫn chưa thống nhất cách tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường đối với phần đất này. Hiện người dân có nhu cầu kinh doanh mới chịu thiệt đóng tiền tại thời điểm này để được cấp giấy chứng nhận.

4 năm và 6,7 tỷ đồng

Bà Phương Trang có khu đất tại đường Dương Bá Trạc quận 8 với diện tích 1.260m2. Trên khu đất có nhà được xây dựng trước ngày 1-7-2006. Năm 2009, bà Trang nộp hồ sơ xin hợp thức hóa 500m2 đất ở và xin chuyển mục đích sử dụng phần diện tích đất còn lại. Cuối năm 2009, khi UBND quận 8 gửi hồ sơ đến Chi cục Thuế quận 8 để tính thuế thì được thông báo chưa có cách tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường đối với phần đất vượt hạn mức nên chưa thể cấp giấy chứng nhận nhà đất cho bà Trang.

Cách tính tiền sử dụng đất vượt hạn mức tại TPHCM quá cao, vượt khả năng đóng của người dân. Ảnh: Huy Anh

Đến năm 2010, sau khi nghe UBND TPHCM ban hành hệ số sử dụng đất để tính giá đất theo giá thị trường (hệ số k), bà Trang đã chạy tới chạy lui hỏi han, thậm chí nhờ “cò” để mong có được sổ đỏ sớm, bán một phần đất lấy tiền làm ăn. Thế nhưng ngay cả “cò” cũng chỉ dám “bao” ra sổ đỏ với giá 70 triệu đồng chứ không đảm bảo thời gian có sổ vì “đang vướng từ chính sách”. Nếu muốn đóng tiền sử dụng đất liền, phải đóng theo hệ số cao nhất mà cơ quan chức năng đang đề xuất với TP.

Do nóng lòng cần tiền làm ăn, bà Trang đồng ý tính tiền sử dụng theo phương án này. Mới đây, bà Trang được Chi cục Thuế quận 8 báo phải đóng khoảng 6,7 tỷ đồng cho phần diện tích vượt hạn mức (hạn mức sử dụng đất tại quận 8 là 160m², phần hợp thức hóa bà Trang được đóng theo hệ số k bằng 2 – tức gấp 2 lần bảng giá đất, phần xin chuyển mục đích sử dụng đất phải đóng theo hệ số k bằng 4 – PV). Khi được thông báo số tiền phải đóng, bà Trang mới hỡi ôi. “Tiền sử dụng đất tính quá cao. Vậy liệu sau khi được cấp giấy, trong thời điểm thị trường nhà đất đóng băng như hiện nay, tôi có bán được đất bằng với giá tôi phải đóng tiền sử dụng đất hay không, trong khi đất của gia đình do ông bà tôi để lại?”.

Tương tự, năm 2010, bà Hà nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất 600m² tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức. Lô đất này bà Hà đã ký hợp đồng hứa bán, nhận tiền cọc và cam kết với người mua khoảng 5 – 6 tháng sau sẽ ra sổ. Hơn một năm sau, do không thể tính tiền sử dụng đất phần đất vượt hạn mức nên bà Hà chỉ được cấp giấy chứng nhận nhưng trên đó ghi chú “nợ tiền sử dụng đất”.

Thấy giấy chứng nhận “chưa hoàn chỉnh”, người mua không đồng ý nên bà Hà phải đền tiền cọc. Do không thể ngồi chờ nên bà Hà đồng ý đóng phần đất vượt hạn mức với hệ số k bằng 4, mặc dù Chi cục Thuế quận Thủ Đức cho biết trường hợp của bà thuộc diện nộp hồ sơ trước ngày 1-3-2011 (NĐ 120 về cách tính tiền sử dụng đất có hiệu lực) đang được kiến nghị nộp tiền sử dụng đất theo hệ số k bằng 2. Để ra được sổ đỏ, bà Hà phải đồng ý đóng tiền sử dụng đất cho 400m² vượt hạn mức (hạn mức đất ở tại quận Thủ Đức là 200m²) hơn 1 tỷ đồng, đồng thời phải cam kết không được hoàn tiền nếu sau này được điều chỉnh giảm hệ số k thấp hơn thời điểm bà đóng thuế. “Nếu tôi được cấp sổ 3 năm về trước thì tôi không phải bán lỗ hơn 400 triệu đồng tại thời điểm này do không kham nổi tiền lãi ngân hàng. Chẳng phải vì vướng cơ chế mà người dân chúng tôi phải thiệt đôi, thiệt kép?” – bà Hà bức xúc.

Kiến nghị giảm hệ số k

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 69/CP quy định đóng tiền sử dụng đất, tháng 7-2012, UBND TPHCM ban hành Quyết định 28 về hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất (gọi là hệ số k) để tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường cho người dân. Tuy nhiên việc đóng tiền sử dụng đất vẫn không thể “chạy” được vì hệ số k quá cao, người dân không có khả năng đóng, cơ quan nhà nước cũng không thu được tiền. Sau đó vài tháng, Sở Tài chính được giao chủ trì dự thảo sửa đổi Quyết định 28 của UBND TP.

Theo tờ trình mới nhất của Sở Tài chính gửi UBND TP về việc điều chỉnh giảm hệ số k vào cuối tháng 3 vừa qua, Sở Tài chính đề xuất: đối với trường hợp hợp thức hóa nhà đất (công nhận quyền sử dụng đất), toàn bộ diện tích đất ngoài hạn mức đất ở đều nộp tiền sử dụng đất theo hệ số k nhân 2. Đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, phần vượt hạn mức được chia tiếp thành 2 phần: phần vượt hạn mức nhưng không quá 1 lần hạn mức đất ở thì nộp tiền sử dụng đất theo hệ số k bằng 2 như phần hợp thức hóa; riêng phần diện tích đất vượt trên mức này nộp tiền sử dụng đất k bằng 3,5 – 4,5 tùy theo khu vực.

Tuy nhiên, đề xuất này chỉ có được sự đồng tình của một số quận huyện như: 1, 6, 9, 11, Bình Chánh và Cần Giờ. Số còn lại vẫn cho rằng hệ số k còn quá cao và nên điều chỉnh xuống bằng 2 lần bảng giá đất cho tất cả phần diện tích đất vượt hạn mức. Thậm chí có quận còn đề nghị hệ số k chỉ nên bằng 1,5 lần bảng giá quy định. Tuy nhiên, Sở Tài chính TP đã bác các kiến nghị này vì cho rằng không có căn cứ pháp lý và chưa có số liệu chứng minh.

Theo số liệu từ Cục Thuế TPHCM, hiện trên địa bàn TP tồn gần 5.000 hồ sơ xin đóng tiền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân bị ách tắc tại các chi cục thuế. Những hồ sơ này đã nộp từ trước ngày 1-10-2009 (ngày NĐ 69/CP có hiệu lực) đến trước ngày 1-3-2011 (ngày NĐ 120 có hiệu lực). Tháng 7-2012, Cục Thuế TP xin ý kiến UBND TP để xử lý theo hướng: những hồ sơ hợp lệ nộp trước ngày 1-3-2011 thì được tính theo giá đất của bảng giá đất tại thời điểm kê khai và nộp đủ hồ sơ. Tháng 11-2012, UBND TP có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhưng hiện vẫn chưa được trả lời.

Nhung Nguyễn (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)