“Trái la hán” là quả chín của loài cây có tên khoa học là Momordica grosvenori Swingle. Theo Đông y, quả la hán có vị ngọt, tính mát, không độc, đi vào 2 kinh phế và đại tràng. Có tác dụng nhuận phế lợi hầu, hóa đàm chỉ khái, nhuận tràng thông tiện.
Quả la hán |
“Trái la hán” là thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae); Trái la hán còn có tên là “la hán quả”, "la huảng tử", "giả khổ qua", "quang quả mộc miết" … Đây là loài cây đặc sản của Quế Lâm, Trung Quốc, được nhập khẩu vào nước ta từ nhiều năm nay.
Với những người có bệnh lý vế đường hô hấp, quả la hán là một thứ thuốc tốt và lại an toàn.
Theo Đông y, quả la hán có vị ngọt, tính mát, không độc, đi vào 2 kinh phế và đại tràng. Có tác dụng nhuận phế lợi hầu, hóa đàm chỉ khái, nhuận tràng thông tiện.
Trong Đông y truyền thống, thường dùng để chữa ho do phế nhiệt và đàm hỏa nội kết, viêm hầu họng, đại tiện bí kết.
Hiện tại, trên lâm sàng, thường sử dụng trong những trường hợp được Tây y chẩn đoán là viêm phế quản cấp tính, mạn tính, viêm đường hô hấp trên – thuộc thể "nhiệt đàm úng phế" (theo cách phân loại của Đông y); Chữa viêm amiđan cấp, viêm họng cấp – thuộc thể "nhiệt độc uẩn kết"; táo bón kinh niên thuộc thể "tân khuy tràng táo" (thiếu thể dịch, ruột khô).
– Liều dùng hàng ngày: Dùng 15-30g sắc uống; hoặc hãm nước sôi, hay hấp uống.
– Chú ý, kiêng kỵ: La hán tính mát, thích hợp với chứng ho do "đàm hỏa" (đờm nhiệt). Nếu là ho do "phế hàn" và do ngoại cảm, thì không nên dùng độc vị (cần phối hợp với các vị thuốc khác).
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy:
– Về thành phần hóa học:
Trong quả la hán khô, tổng lượng đường chiếm tới 25,17%-38,31%, trong đó bao gồm 10,20%-17,55% đường fructose; 5,71%-15,19% đường glucose;
Còn có một loại thành phần không phải đường, nhưng có độ ngọt rất cao, đó là các triterpenoid saponin, trong đó Mogroside V có độ ngọt gấp 256-344 lần đường mía (saccharose), Mogroside VI ngọt gấp 126 lần đường mía;
Còn có một chất gọi là D-mannitol có độ ngọt bằng 0,55%-0,65% đường mía;
Trong thành phần còn có khoảng 8,67%-13,35% protein. Trong mỗi 100g quả có 313mg-510mg vitamin C, manganese (Mn), sắt (Fe), Nickel (Ni), kẽm (Zn), Thiếc (Sn), Selenium (Se), Iod (I) và 26 loại nguyên tố vô cơ khác.
Trong hạt có 41,1% acid béo, bao gồm: Linoleic acid, Oleic acid, Palmitic acid, Stearic acid, Palmitoleic acid, Myristic acid, Lauric acid, trong đó hai loại Linoleic acid và Oleic acid chiếm tới 73,2%.
– Về tác dụng chữa bệnh:
Nước sắc quả la hán có tác dụng chống ho (trấn khái) và trừ đờm (khư đàm) rõ ràng; còn có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch tế bào của cơ thể.
Trà la hán là thứ nước giải khát giàu dinh dưỡng, rất thích hợp với những người thể tạng "uất hỏa nội kết" (nóng trong).
Do trong quả la hán có chứa một số hợp chất có độ ngọt lớn gấp hàng trăm lần đường mía, nhưng không phải là đường, nên là thứ thức ăn và gia vị lý tưởng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, hay bị béo phì.
Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng quả la hán để chữa trị một số chứng bệnh thường gặp như sau:
– Chữa viêm họng: La hán quả thái lát, sắc nước uống thay trà trong ngày.
– Chữa mất tiếng: La hán 1 quả, thái lát, thêm lượng nước thích hợp sắc lên, chờ nguội, chia ra uống nhiều lần, mỗi lần một ít.
– Chữa ho gà (bách nhật khái): La hán 1 quả, hồng khô 25g, sắc nước uống; Hoặc dùng trái la hán 1 quả, phổi lợn 40g (bóp hết bọt), hầm chín, thêm gia vị vào ăn.
– Chữa ho khạc ra đờm vàng đặc quánh: Dùng la hán quả 20g, phối hợp với tang bạch bì 12g, sắc nước uống trong ngày.
– Bổ phế, hỗ trợ trong điều trị ho lao: La hán quả 60g, thịt lợn nạc 100g; hai thứ đều thái lát, thêm lượng nước thích hợp, hầm chí, thêm chút muối, ăn trong bữa cơm.
– Chữa táo bón: Dùng la hán quả sắc lấy nước, pha thêm mật ong uống trong ngày.
(Minh họa: cúc trắng, cúc vàng, la hán)
Lương y Huyên Thảo (TPO)
Bình luận (0)