Chỉ riêng trong ngày 1/7 đến hết 12h trưa nay (2/7), Bệnh viện mắt TƯ đã tiếp nhận 151 trường hợp bị đau mắt đỏ (Viêm kết mạc cấp) tới khám. Trong đó, rất nhiều em ở lứa tuổi thanh niên, học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học sắp tới.
Không thể học vì nhức mỏi mắt
Làng Phùng Khoan (Thanh Xuân, Hà Nội), nơi có một khối lượng lớn các học sinh đổ về ở trọ ôn luyện đại học mấy ngày gần đây bắt đầu xuất hiện các em bị đau mắt đỏ. Vì 3 – 4 em ở cùng trong một phòng trọ chật trội, nên tình trạng lây chéo dễ dàng xảy ra. Đây là lý do khiến số lượng các em học sinh bị bệnh đau mắt đỏ ngày càng tăng lên.
“Vừa mới vài hôm trước, thấy phòng bên có bạn bị đau mắt đỏ, em đã cẩn thận mua cả chụp lọ muối sinh lý về cho mình và các bạn trong phòng vệ sinh mắt. Thế mà sau 4 ngày, lần lượt 4 đứa phòng em đều bị đau mắt đỏ. Trong khi đó, bọn em lại học môn xã hội, vốn phải đọc sách nhiều. Đọc sách mà nước mắt cứ bị chảy ra, nhoè nhoẹt gây khó chịu. Chưa kể, cảm giác mắt cộm, vướng nên càng không muốn mở mắt chú tâm vào học tập. Đã qua 6 ngày, nhờ được nhỏ nhuốc, mắt mới dịu xuống, việc học mới trở lại bình thường”, Hải Yến, đang trọ tại làng Phùng Khoan, kể.
Yến cho biết thêm, khi 4 đứa rồng rắn đến BV Mắt TƯ khám, bác sĩ hỏi kỹ, hoá ra bọn em có ý thức phòng bệnh mà lại không đúng cách. Cả 4 người đều dùng chung lọ nước muối sinh lý, cứ hết rồi mới thay sang lọ khác. Vì thế, nếu chỉ 1 người trong đó nhiễm vi rút gây bệnh đau mắt đỏ, vi rút này có thể lây truyền qua đầu tiếp xúc của lọ nước muối rồi lây cho người khác.
ThS Vũ Tuệ Khanh, khoa Kết – Giác mạc (BV Mắt TƯ) cho biết, khi bị đau mắt đỏ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, học tập. Vì khi bị đau mắt đỏ, mắt người bệnh thường bị đỏ mắt, bị cộm như có cát trong mắt, chói mắt, chảy nước mắt, nhiều rử mắt như dính, khó mở mắt khi sáng ngủ dậy… Chính những biểu hiện này làm các em rất khó chịu, không thể đọc sách hay học hành nhiều. Chưa kể, hầu hết bệnh nhân bị đau mắt đỏ đều có triệu chứng toàn thân giống như cúm, đó là hắt hơi, xổ mũi, hâm hâm sốt… Tình trạng đau mắt đỏ kéo dài mà không được điều trị đúng sẽ khiến giác mạc bị tổn thương, gây giảm thị lực làm việc học, đọc sách của các em càng khó khăn hơn.
Lây qua tiếp xúc và hô hấp
Theo BS Khanh, bệnh này lây lan rất nhanh, không chỉ lây qua tiếp xúc gần, qua rử, nước mắt… mà bệnh đau mắt đỏ cũng dễ lây truyền qua đường hô hấp, do vi rút có trong dịch tiết mũi, họng người bệnh…
“Trong khi người bệnh thì thường không ý thức được rằng bệnh lây qua đường hô hấp, mà chỉ nghĩ lây qua tiếp xúc. Nên dù có dùng khăn mặt riêng, các dụng cụ sinh hoạt riêng, nhưng lại tiếp xúc quá gần khiến vi rút có trong những giọt nước bọt li ti bắn ra có thể khiến người đối diện mắc bệnh”, ThS Khanh nói.
Đau mắt đỏ thường do vi rút Adeno gây ra. Loại vi rútt này gồm 47 chủng huyết thanh khác nhau, các chủng này được tìm thấy khắp mọi nơi trên thế giới và có thể gây bệnh cho đường hô hấp trên và cho mắt.
BS Khanh cho biết, không ít người bị bệnh đau mắt phải gián đoạn công việc, học tập hàng tháng để điều trị bệnh do tự ý điều trị, chườm nóng, chườm lá trầu không…. Vì thế, để được điều trị nhanh cần đi khám ngay khi có dấu hiệu. Bệnh thường khỏi sau 7 – 10 ngày. Nếu không điều trị, khoảng 12 – 20% số bệnh nhân có biến chứng như xước giác mạc, viêm dưới biểu mô… gây ảnh hưởng đến thị lực.
Với các em học sinh ở trọ tập trung trong phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp thì nguy cơ lây truyền bệnh càng rõ ràng hơn. Theo nghiên cứu, ttrong các môi trường có sự tiếp xúc gần gũi giữa người có bệnh và người không có bệnh như công sở, trường học, gia đình thì tỷ lệ này lây lan khá cao, khoảng 10 – 32%.
Vì thế, để phòng bệnh, hiệu quả nhất là cách ly hạn chế tiếp xúc, không sử dụng chung vật dụng cá nhân, từ khăn mặt, quần áo, đến điện thoại, máy tính, chăn gối. “Quan trọng nhất vẫn là người bệnh có ý thức phòng bệnh cho người khác, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi dùng khăn, tay lấy rử mắt, xì mũi, ho…Khi bị bệnh, không nên tới những nơi đông người, trong phòng trọ chật chội cũng không nên tiếp xúc gần, ngủ chung giường.
Ngoài ra, có thể tăng cường sức đề kháng để phòng bệnh bằng bổ sung vitamin C thông qua ăn uống các loại nước hoa quả như cam, chanh. Hàng ngày có thể sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0,9% hoặc kháng sinh nhẹ (Chloramphenicol 0,4%) để rửa mắt sau khi đi ngoài đường hoặc đi bơi về.
Với các em học sinh bị đau mắt đỏ, bất khả kháng vẫn phải tham dự kỳ thi sắp tới thì cần ý thức đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần tránh lây bệnh cho các thí sinh khác. Khi dùng khăn chấm nước mắt, không để bừa lên bàn, mặt tiếp xúc chung, tránh lây bệnh cho người khác.
Trong gia đình có người bị bệnh, mọi người cũng nên thường xuyên rửa mắt bằng muối sinh lý nhưng không được dùng chung lọ người bệnh đã nhỏ, tránh nguy cơ lây lan qua đầu thuốc.
Hồng Hải (dan tri)
Bình luận (0)