Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng thiết yếu đã tăng theo xăng

Tạp Chí Giáo Dục

 
Hàng tăng giá từ 5% đến15% cộng với sức mua yếu trong thời điểm này càng khó khăn hơn cho người mua lẫn người bán.
Dù giá xăng bất ngờ tăng vọt 1.430 đồng/lít hồi cuối tháng 3 và im lìm giảm 500 đồng/lít gần đây cũng không xoa dịu được việc tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu. Với mức tăng 5%-15% cộng với sức mua yếu trong thời điểm này càng khó khăn hơn cho người mua lẫn người bán.
Tăng từ vài trăm đến 1.000 đồng
Theo ghi nhận tại một số chợ truyền thống, giá một số mặt hàng thiết yếu như như bột ngọt, nước mắm, mì gói… tăng từ vài trăm đến 1.000 đồng/sản phẩm.
Chị Nguyệt, hàng chạp phô chợ Gò Vấp, cho biết mì Hảo hảo cũng tăng 1.000-2.000 đồng/thùng nay lên 98.000-99.000 đồng/thùng.Morden lẩu Thái từ 110.000 đồng/thùng tăng lên 137.000 đồng/thùng. Một gói từ 3.600 đồng tăng lên 4.500 đồng.

Người tiêu dùng thích mua hàng bình ổn ở siêu thị. Ảnh: CTV
Nước mắm Liên Thành, chai 750 ml cũng tăng khoảng 2.000 là 43.000 đồng/chai. Nước tương Magi đậu nành nắp đỏ tăng 2.000 đồng lên 25.000 đồng/chai 750 ml. Một số mặt hàng khác như nước Red bull cũng tăng 5.000-6.000 đồng/thùng từ hơn 160.000 đồng tăng lên 175.000 đồng. Tương đương một lon tăng gần 1.000 đồng lên 7.200-7.500 đồng. Đây là giá sỉ, khi ra bán lẻ đến người tiêu dùng hơn 10.000 đồng/lon. Đối với bánh kẹo như bánh Chocopie sáu miếng tăng gần 1.000 đồng/hộp, từ 18.000-19.000/hộp nay lên 20.500 đồng/hộp.
Các tiểu thương cho biết khi lên giá thì nhân viên bán hàng chỉ nói là bữa nay mì tăng, bánh… tăng chứ không nói do xăng cộ gì cả.
Anh Hoàng, một tiểu thương khác ở chợ Hoàng Hoa Thám, cho biết mặc dù có thông báo tăng giá nhưng nói chung ở chợ một số điểm bán chưa lên vì hàng còn nhiều nên bán giá cũ. Khi nào lấy hàng mới giá cao thì mới bán cao. Bao giờ cũng bán hết hàng cũ để lấy uy tín với khách hàng chứ không phải bán để kiếm lời.
Các siêu thị nhận đề nghị tăng nhẹ
Bên cạnh đó, đại diện Siêu thị Vinatex cho biết trong tháng 3 và tháng 4, Vinatexmart nhận được đề nghị tăng giá 10%-15% của một số nhà cung cấp ngành may mặc và hóa phẩm. Và mức tăng 5%-10% đối với thực phẩm đông lạnh. Lý do mà các nhà cung cấp đưa ra là do giá xăng tăng, kéo theo giá nguyên liệu đầu vào tăng. Cũng theo vị đại diện này, trước yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp, Vinatexmart xem xét mức tăng có phù hợp với tình hình thị trường hay không rồi mới quyết định đồng ý cho tăng giá hay không.
Tương tự tại Lotte Mart cũng nhận được yêu cầu tăng giá từ ngành hàng thực phẩm tươi sống như thủy hải sản tăng giá 5%-10%. Nguyên nhân được đưa ra là do giá xăng tăng.
Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Siêu thị Maximark Cộng Hòa, cho biết từ tết đến nay siêu thị nhận được đề nghị tăng giá của vài chục nhà cung cấp với mức tăng 5%-10% ở tất cả ngành hàng. Theo bà Thảo, xăng chỉ là một trong các nguyên nhân tăng giá chứ không phải vì xăng tăng mà giá ồ ạt tăng như trước đây.
Một số nhận định khác cho rằng DN cũng đang đi trong vòng luẩn quẩn là nếu không điều chỉnh tăng giá mà chi phí đầu vào quá cao thì gây khó khăn cho sản xuất. Vì vậy bức bách quá mới tăng giá chứ hiện giờ bán rất chậm, sức mua thấp. Nên quan trọng nhất là làm sao bán được hàng ra thị trường.
Dầu ăn, đường vẫn ổn định giá
Theo dự báo của Cục Quản lý Giá – Bộ tài chính, giá hàng hóa trong tháng 4 sẽ tăng nhẹ, cụ thể như đường, sữa… Đối với đường, nguồn cung dồi dào nhu cầu tiêu dùng đường tăng vào mùa hè và việc Bộ Công Thương cho xuất khẩu, áp lực tồn kho tại các nhà máy đường sẽ được giải quyết. Tình trạng nhập lậu có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, Cục dự báo giá đường trong nước tăng nhẹ. Và thực tế đến thời điểm này giá đường trên thị trường đang ở mức ổn định.
TÚ UYÊN (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)