Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp dược lãi “khủng”

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ với 10 mặt hàng thuốc cùng hàm lượng, cùng hoạt chất, cùng được bán cho một địa phương mà giá trúng thầu năm 2013 (thực hiện theo quy chế mới) đã giảm hơn 1 tỉ đồng so với năm 2012 (đấu thầu theo hướng dẫn cũ), cho thấy những năm qua doanh nghiệp dược đã lãi khủng như thế nào.
 
Từ năm 2007-2012, sở y tế và các bệnh viện đấu thầu thuốc vào bệnh viện theo hướng dẫn trong thông tư 10 năm 2007 của Bộ Y tế. Những điểm bất hợp lý trong thông tư này như sự thiếu rõ ràng về tiêu chí thuốc dự thầu, doanh nghiệp tham gia cung ứng… khiến giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện nhiều khi cao hơn thị trường. Vì vậy, năm 2012 Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành thông tư liên tịch số 01 nhằm chấn chỉnh công tác đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế.
Thông tư 01 có hiệu lực từ tháng 6-2012, nhưng không phải địa phương nào cũng triển khai quy chế đấu thầu mới. Trong khi đó, chỉ với bốn địa phương có báo cáo sơ bộ cho thấy đã tiết kiệm được trên 150 tỉ đồng tiền mua thuốc nhờ quy chế đấu thầu mới.
Đấu thầu theo cơ chế mới, giá thuốc giảm mạnh
Theo báo cáo sơ bộ của Cục Quản lý dược, chỉ tính ở 10 mặt hàng (thuộc bốn loại hoạt chất Ceforuxim, Cefoperazon 500mg + Sulbactam 500mg, Ceftriaxon 1g và 1,5g, Levofloxacin 750mg, Methyl prednisolon 40mg và 4mg) bán cho sở y tế ở một địa phương, giá trúng thầu năm 2012 (theo thông tư 10 năm 2007) và giá trúng thầu năm 2013 (theo thông tư 01 năm 2012) đã giảm được 1,14 tỉ đồng chi phí.
Đáng kể nhất là Cefuroxim 500mg viên giá trúng thầu năm 2012 là 4.950 đồng/viên, năm 2013 giảm còn 3.450 đồng/viên (giảm 30%); thuốc Quincef (Cefuroxim 125mg) giá trúng thầu năm 2012 là 2.890 đồng/viên, năm 2013 hạ xuống còn 1.889 đồng/viên (giảm 34,64%); thuốc Fascort (Methyl prednisolon 4g) năm 2012 là 700 đồng/viên, năm 2013 chỉ còn 400 đồng/viên, giảm giá tới trên 42% chỉ nhờ quy định đấu thầu mới. Trong khi thông tư 10 hướng dẫn đấu thầu thuốc vào bệnh viện đã áp dụng từ năm 2007 kéo dài cho đến năm 2012, cho thấy những năm qua doanh nghiệp dược ở các địa phương, với nhiều loại mặt hàng khác, bán thuốc theo quy chế cũ, đã lãi “khủng” mức độ nào.
Trưởng ban dược – vật tư y tế Bảo hiểm xã hội VN Vũ Xuân Hiển cho biết báo cáo sơ bộ gần đây trên các mặt hàng cùng tên thương mại, cùng hàm lượng hoạt chất, cùng đường dùng, nước sản xuất, riêng tại tỉnh Hà Tĩnh đấu thầu theo thông tư 01 năm 2012 đã giảm giá tới 23% so với giá các thuốc cùng loại năm 2012.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, rà soát 20 mặt hàng có giá chênh lệch cao so với các địa phương và thương lượng lại với doanh nghiệp dược cung ứng thuốc, Quỹ bảo hiểm y tế đã thu lại 1,5 tỉ đồng.
Cũng nhờ đấu thầu theo hướng dẫn mới, so với kế hoạch tương tự của năm 2012 thì kết quả năm 2013 tỉnh Quảng Ngãi đã giảm chi cho thuốc được 28 tỉ đồng (24%), tỉnh Quảng Ninh giảm được 40 tỉ (20%), tỉnh Hà Tĩnh giảm được 32 tỉ (25%), đặc biệt tỉnh Hậu Giang giảm được tới 57 tỉ (31%). Ông Hiển cho hay đến nay đã có trên 10 địa phương có kết quả đấu thầu thuốc năm 2013 (thực hiện theo thông tư 01) và tất cả đều có mức chi cho thuốc giảm so với năm 2012.
Nhiều chiêu nâng giá thuốc
Mời thầu các mặt hàng thuốc có hàm lượng “lạ”, chỉ một mình doanh nghiệp có “quan hệ” với bệnh viện, sở y tế, và sau đó thì chào giá nào cũng trúng thầu là chiêu đã xuất hiện khi đấu thầu thuốc theo thông tư 10 năm 2007. Thế nhưng dù đã có quy chế đấu thầu mới, chiêu trò này vẫn xuất hiện. Theo ông Hiển, thời gian qua bảo hiểm xã hội nhiều tỉnh báo cáo với Bảo hiểm xã hội VN những tên thuốc kháng sinh có hàm lượng “lạ” trong danh mục mời thầu. “Chúng tôi đã trao đổi với Cục Quản lý dược về hiện tượng này để cục xem xét trong khi cấp số đăng ký. Mời thầu thuốc có hàm lượng lạ, chỉ 1-2 doanh nghiệp có thì khác gì chỉ định thầu, giá nào cũng sẽ trúng thầu” – ông Hiển phân tích.
Một chiêu nâng giá thuốc nữa là hiện tượng mua bán thuốc lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian. Năm 2011, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng từ chối chi trả cho một loại thuốc nhập khẩu lòng vòng qua bốn công ty trước khi được bán vào bệnh viện. Sau khi bốn công ty cùng làm nhiệm vụ “phân phối” (mặc dù chỉ phân phối trên hóa đơn), giá thuốc đã tăng đến 3 lần.
Theo Cục Quản lý dược, từ ngày 1-4, cục bắt đầu thí điểm quản lý giá thuốc theo lãi trần từ nhập khẩu/sản xuất đến bán buôn, nhằm khống chế lãi suất từ sản xuất/nhập khẩu đến bán buôn từ 20-90% tùy giá trị của thuốc. Tuy nhiên, do áp dụng thí điểm nên quy chế này mới áp dụng với 12 loại hoạt chất (10 hoạt chất kháng sinh và hai hoạt chất điều trị ung thư) với khoảng 600 mặt hàng thuốc, trong khi thị trường hiện có tới trên 20.000 mặt hàng, số chưa được “khống chế lãi trần”, có khả năng lòng vòng mua bán vẫn còn nhiều.
Dù công văn 584 của Bảo hiểm xã hội VN đã bị Bộ Y tế bác vì cho rằng Bảo hiểm xã hội VN không đủ thẩm quyền, trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Minh Thảo cho biết Bảo hiểm xã hội VN sẽ có văn bản đề nghị các bệnh viện có giá trúng thầu thuốc cao trong sáu tháng đầu năm 2013 tiếp tục thương lượng với nhà cung cấp để có mức giá hợp lý hơn. Việc rà soát giá thuốc sẽ được tiến hành liên tục và các thuốc có mức chênh lệch quá lớn cần phải thương lượng lại giá. Ông Vũ Xuân Hiển cũng khẳng định: “Việc này chỉ có lợi cho dân, có lợi cho quỹ bảo hiểm y tế”.
Theo Lan Anh
Tuổi Trẻ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)