Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp mỏi mòn chờ… hỗ trợ

Tạp Chí Giáo Dục

Trước tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, Chính phủ cũng như các bộ, ngành đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay các DN vẫn khó hoặc hầu như không thể tiếp cận được các gói giải pháp hỗ trợ.

Chậm hỗ trợ

Trong số các gói giải pháp được các DN mong đợi, đặc biệt trong bối cảnh số DN giải thể tăng cao là Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, ngày 10-5-2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có nhiều giải pháp về miễn giảm, giãn thuế. Theo các DN, chuyên gia kinh tế, giải pháp này đến nay đã không phát huy tác dụng như mong muốn. Cụ thể, với gói giải pháp này bình quân mỗi DN chỉ được gia hạn chưa đến 60 triệu đồng thuế giá trị gia tăng quý 2-2012, gia hạn khoảng 43 triệu đồng thuế thu nhập DN và mỗi hộ đánh bắt hải sản và làm muối được miễn 276.000 đồng thuế môn bài năm 2012…

Cần có giải pháp giải phóng hàng tồn kho, khơi thông sản xuất cho doanh nghiệp. Ảnh: Cao Thăng

“Với mức hỗ trợ này so với trong thời điểm lạm phát chỉ như muối bỏ bể. DN chúng tôi doanh thu một năm trên 150 tỷ đồng, trong đó có khoản vay của ngân hàng 10 tỷ đồng để đầu tư máy móc thiết bị, lãi suất giữa năm 2012 xấp xỉ 20%, trả lãi gần 200 triệu đồng/tháng. Vì sao không tính ngay đến vấn đề hạ lãi suất trong khi nhiều DN đang đứng trước nguy cơ phá sản” – ông Trần Văn Minh, Giám đốc DNTN Minh Thành, chuyên gia công cơ khí, quận Bình Tân, TPHCM nêu ý kiến.

Ngày 7-1-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP với một loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, các ưu đãi hỗ trợ từ chính sách tài khóa, đặc biệt là chính sách thuế, phí đề ra trong Nghị quyết 02 đã mạnh mẽ và bài bản hơn hẳn. Tuy nhiên, theo nhận xét của các DN, việc triển khai nghị quyết này trên thực tế khá chậm và họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ gói giải pháp này.

“Tính đến nay, đã gần 4 tháng kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, nhưng việc cụ thể hóa còn quá chậm, DN chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được, thậm chí chưa hình dung được hình hài của nghị quyết lần này sẽ hỗ trợ gì? Việc miễn, giãn thuế sẽ như thế nào?” – bà Trần Kim Nga, Giám đốc Công ty CP Bao bì nhựa (quận Bình Tân, TPHCM) băn khoăn.

Cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Anh Tuấn, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô thời gian tới vẫn còn lớn. Do vậy, để vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay, ngoài các gói chính sách hỗ trợ của phía Chính phủ cũng như các bộ ngành cần có sự đồng thuận cùng chung tay, góp sức của cộng đồng DN. Trước hết, bản thân các DN cần chủ động tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ việc tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, song song với việc khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất.

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, các DN cần cân đối nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm nhằm huy động hợp lý các nguồn vốn đảm bảo cho hoạt động sản xuất được ổn định. Các DN cũng cần phải thay đổi phương thức huy động theo hướng đa dạng hóa việc huy động các nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ Công thương sẽ thực hiện các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, trong đó sẽ cụ thể hóa những giải pháp giúp DN tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu. Các chương trình xúc tiến thương mại cũng được đẩy mạnh triển khai giúp mở rộng thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước, giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các DN.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, hiệp hội đang tổng hợp ý kiến các DN để gửi kiến nghị đến các ngành chức năng cần sớm có giải pháp mạnh mẽ và cụ thể hơn về kích cầu, giải phóng hàng tồn kho, khơi thông sản xuất, tiêu dùng, xử lý nợ xấu. Cần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính không cần thiết để DN có thể tiếp cận nhanh với các gói giải pháp.

TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, tỷ lệ DN tham gia vào các chương trình hỗ trợ của Chính phủ như xúc tiến thương mại quốc gia, Quỹ đổi mới khoa học công nghệ… còn rất khiêm tốn (dưới 10%). Việc tiếp cận hạn chế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó do thiếu thông tin hoặc thủ tục quá phức tạp. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng nên cụ thể hóa những nội dung và điều kiện thuận lợi phù hợp với thực tế, đảm bảo sự công bằng – minh bạch đưa vào đúng chủ thể, tránh lợi dụng thất thoát và lãng phí. Đồng thời, tạo nên phong cách điều hành mới sâu sát có trách nhiệm; kịp thời tháo gỡ khó khăn linh hoạt trong điều hành. Nếu triển khai đồng bộ và quyết liệt các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, năm nay các DN sẽ vượt qua khó khăn và phát triển ổn định trở lại.

Lạc Phong (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)