Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lại tranh luận sôi nổi về vàng

Tạp Chí Giáo Dục

Những vấn đề như có nên huy động vàng trong dân, sửa đổi nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, bán vàng từ dự trữ quốc gia… đã được các chuyên gia kinh tế bàn luận sôi nổi trong buổi họp của Đoàn đại biểu quốc hội TPHCM về khảo sát thị trường vàng tổ chức ngày 7-5

Đây là lần thứ 3 tại TPHCM các chuyên gia kinh tế gặp nhau và bàn luận về vàng và các giải pháp cho thị trường này. Tuy vậy, cho đến hết hội nghị, các luồng ý kiến vẫn khác nhau.

Có nên kéo gần chênh lệch giá vàng?

Theo Phó đoàn đại biểu quốc hội Trần Du Lịch, trong thời gian qua nhiều ý kiến từ các cử tri cho rằng giá vàng chênh lệch gây thiệt hại cho dân. Người dân phải mua vàng với giá cao hơn giá thế giới đến vài triệu đồng/lượng.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đạt Chí, lý do giá vàng trong nước và thế giới cách xa nhau là do hiện tại các ngân hàng phải tất toán lại trạng thái vàng, tạo nên lực cầu mới trong nền kinh tế, bên cạnh nhu cầu bình thường của người dân. Phía cung thì vàng trong dân không được huy động, người dân cũng không bán ra. Giá vàng trong nước và thế giới vì vậy mới có khoảng cách.

Quang cảnh hội nghị về khảo sát tình hình thị trường vàng do đoàn đại biểu quốc hội TPHCM tổ chức ngày 7-5. Ảnh: Thanh Thương

“Bên cạnh đó, việc chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia, tuy không có trên bất cứ văn bản nào cũng khiến người dân lo lắng nên lực cầu với vàng SJC càng nhiều hơn. NHNN lún sâu vào các phiên đấu giá, nhưng giá bán lại cao, do giá thế giới biến động khôn lường nên rủi ro lớn. Điều này khiến cho giá vàng trong nước ngày càng cao hơn giá thế giới”, ông Chí nói.

“Hy sinh hàng chục tỉ đô la Mỹ để giảm chênh lệch giá là không cần”, theo chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn. Quan điểm của ông Sơn là người mua vàng chính trên thị trường không phải người dân lao động. Nếu họ có mua thì khối lượng không lớn. Người mua chính vẫn là người đầu tư, thường là người giàu có. Nếu nhập vàng để giảm chênh lệch, kỳ thực thì những người đó có lợi. Trong khi việc nhập vàng để kéo lại gần là khó. Tiêu tốn ngoại tệ lớn như vậy “chẳng để làm gì”. Nên đặt lợi ích của nền kinh tế lên mức ưu tiên cần thiết.

Ông Lịch cho rằng quan điểm của ông Sơn giống quan điểm của Ngân hàng nhà nước (NHNN). Nhưng cũng điều kiện như vậy, thì trước khi có Nghị định 24, giá vàng không chênh lệch cao như vậy. “Nhưng khi bắt đầu độc quyền, quy về một thương hiệu thì mới sinh chuyện”. Ông Lịch cho rằng vấn đề đặt ra là quản lý như thế nào để giảm chênh lệch. “Hiện tại là vàng hóa chứ không phải chống vàng hóa, không biết đấu thầu bao nhiêu đợt nữa, vàng đã đi đâu? Ngoại tệ nào chịu nổi để bịt lỗ hổng này”.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp Hội kinh doanh vàng cho rằng “đấu thầu vàng là giải pháp tình thế. Thực tế, chỉ giải cứu cho ngân hàng thương mại. Nhưng bây giờ nếu không giúp ngân hàng thương mại giải quyết thì chênh lệch còn lớn hơn. Thị trường vàng, có lúc dư thừa, có lúc thiếu. Nhưng trong lâu dài, sự thiếu còn diễn ra hoài. Nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước cũng nhập vàng về, không giải quyết được việc chênh lệch. Vậy nên cần có sự linh hoạt trong điều hành thị trường vàng”.

Trong khi đó, ông Phạm Đỗ Chí lại “đề nghị xóa bỏ Nghị định 24, chấm dứt vai trò độc quyền sản xuất vàng miếng, và cho mở sàn vàng quốc gia để điều tiết thị trường”.

Huy động vàng trong dân: cách nào?

Đa phần các chuyên gia đều cho rằng NHNN nên huy động vàng trong dân thông qua hệ thống ngân hàng, sau đó đem gửi ở nước ngoài lấy lãi. Người dân vừa có chỗ gửi vàng, nhà nước lại có thêm tiền lãi. Trong khi nhà nước để bất động một lượng vàng lớn như vậy trong dân là không nên, rất lãng phí.

Ông Trần Du Lịch cho rằng NHNN phải huy động, không nên “biến nhà dân thành kho chứa vàng”, lại bán thêm vàng ra để gây nên vàng hóa, như các đợt đấu thầu vừa qua.

Cùng ý kiến này, ông Long cũng cho rằng phải huy động vàng. Nhưng trong thời gian qua, nhiều ngân hàng lỗ nặng vì huy động vàng. NHNN lo lắng những thiệt hại này là đúng, nếu ngân hàng không có vàng trả lại cho dân. Ông Long cho rằng huy động cho quốc gia, đem gửi thu ngoại tệ về, có lợi cho nhà nước.

Có mặt tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM tính toán thử, nếu huy động 500 tấn vàng, thì lãi phải trả cho dân khoảng 300 tỉ đồng mỗi năm. Nhưng khi đã huy động vàng, phải chuyển đổi sang vàng quốc tế, gửi ra nước ngoài, lãi suất còn thấp hơn trong nước, vậy là lỗ, ai sẽ chịu.

"Đồng thời rủi ro thanh khoản khi huy động vàng là có. Nếu huy động của dân, đến lúc dân cần, mua trên thế giới khó, lấy vàng đâu để trả cho dân. Vàng huy động được để bán can thiệp thị trường thì càng không nên. Như thời gian trước, bán vàng huy động, giờ nhiều ngân hàng lại phải mua vàng trả cho người gửi, gây áp lực lên thị trường", ông Minh nói.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh vàng Việt Nam, không đồng tình với ý kiến này. “Lãi suất trái phiếu chính phủ 7%/năm, tức Việt Nam phải vay ngoại tệ với lãi suất đó, vậy huy động vàng, cầm vàng ra nước ngoài thế chấp, vay ngoại tệ, giá sẽ thấp hơn, kể cả sau khi đã tính cả chi phí huy động và chuyển đổi”, ông Hải nhấn mạnh.

Phản bác lại ý kiến ông Hải, ông Sơn nói rằng vàng thì Ngân hàng Nhà nước không phát hành được, ngoại tệ cũng không, nếu rủi ro về việc không có vàng trả cho dân thì lấy đâu. Nếu muốn huy động thì cam kết với dân, rằng khi rút, thì nhận tiền đồng, quy ra giá vàng cùng thời điểm”, cách đó an toàn nhất.

Vấn đề có nên bán vàng từ dự trữ ngoại hối cũng gây nhiều tranh cãi, tựu trung các ý kiến cho rằng không nên bình ổn bằng cách này, gây rủi ro cho dự trữ. Có một ý kiến đi ngược lại. Đó là từ ông Huỳnh Bửu Sơn. Ông Sơn cho rằng vàng cũng là ngoại tệ, cũng có thể nhanh chóng chuyển đổi, nên nếu dùng vàng trong nguồn này để bán ra, thì có thể dùng ngoại tệ khác để mua lại, không gây ảnh hưởng đến dự trữ chung.

(TBKTSG Online)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)