Tốt nghiệp cao đẳng, ngành du lịch nhưng Đặng Thị Thùy Chinh lại bén duyên với nông nghiệp. Thùy Chinh đang dần khẳng định mình với mô hình chăn nuôi trang trại lợn với doanh thu gần 3 tỷ đồng/năm tại xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải (Thái Bình).
Chinh theo dõi đàn lợn tại trang trại. |
Sinh năm 1988, Thùy Chinh là một trong những cô gái trẻ tuổi hiếm hoi lên nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013. Ở Chinh toát lên sự từng trải của cô gái đã chèo chống qua nhiều sóng gió.
Chinh là người Hải Dương, tốt nghiệp cao đẳng chưa kịp xin việc thì lấy chồng khi đương tuổi 20. Lấy chồng, Chinh về quê chồng ở xã Vũ Lăng sinh sống, cái bằng du lịch chẳng để làm gì ở đất lúa. Ở nhà ăn bám bố mẹ mất nửa năm, khi xã có dự án chuyển đổi đất trồng trọt kém chất lượng sang chăn nuôi, Chinh bàn chồng đánh liều mua đất làm trang trại.
Trắng tay sau một đêm
Chinh nhận thức được, mở trang trại chăn nuôi phải mất 3-4 năm mới biết thành hay bại. Ngày đêm lần mò trên mạng để tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, Chinh biết đến Cty CP Thái Lan đang phối hợp với nhiều nhà nông cung cấp giống, thức ăn và lo đầu ra cho sản phẩm. Chinh quyết định mua đất mở trang trại chăn nuôi lợn, đào ao thả cá, trồng cây xanh.
Lên xã làm thủ tục nhận chuyển nhượng 2,5 ha đất có giá 1 tỷ đồng để làm trang trại. Nhẩm tính và tự tin, Chinh cùng chồng bắt đầu hành trình đi vay nợ để biến cánh đồng trũng thành trang trại. "Lúc đó chẳng ngại ngần gì nữa, bố mẹ, anh em họ hàng bọn mình đều đặt vấn đề mượn sổ đỏ nhà cắm ngân hàng để vay tiền", Chinh nói. Khoảng 5 tỷ đồng bỏ ra để múc ao, đắp bờ lũy, xây dựng hệ thống chuồng trại theo tiêu chuẩn quốc tế sạch sẽ, thông thoáng.
Sau nửa năm ròng, trang trại của Chinh hoàn thiện với một khu điều hành trung tâm, phòng ăn, phòng nghỉ cho công nhân, kho chứa thức ăn chăn nuôi, phòng xử lý dịch bệnh cùng 4 dãy chuồng trại theo mô hình khép kín.
Mỗi dãy được thiết kế hiện đại, công năng lớn có thể nuôi đến 600 con/chuồng, cho ăn bằng máng tự động. Doanh thu năm đầu tiên đem về 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí nhân công, lãi hơn 1 tỷ. "Số tiền mà ở vùng quê có nằm mơ mình cũng không nghĩ tới", Chinh nói.
Thế nhưng, ông trời lại giật trắng toàn bộ tài sản của hai vợ chồng chỉ trong một đêm mưa bão. Chinh kể, trận bão năm 2012, trang trại của cô nằm trúng hướng gió nên không thể chống đỡ được. Toàn bộ hệ thống nhà bị giật đổ, ước tính thiệt hại lên đến 2 tỷ đồng.
"Lúc đó cũng nản lắm, đêm nằm cứ thon thót giật mình vừa lo vừa sợ. Nhưng khi đã trèo lên lưng hổ rồi phải phóng theo", Chinh nói. Mình đã cắm rất nhiều sổ đỏ của bố mẹ, họ hàng rồi, mình cố gắng không phải vì riêng cho gia đình mình nữa. Hai vợ chồng Chinh bắt tay xây dựng lại chuồng trại để làm lại từ đầu. Trong họa có may, sau khi mô hình trang trại gặp bão, nhiều tổ chức, đơn vị đến thăm, nghiệm thu nên gia đình được vay 2 tỷ đồng với lãi suất thấp để tiếp tục đầu tư.
Chuyên gia tự học
Đến nay, trang trại của Chinh đã nuôi 2.400 con/lứa. Hai ao cá nuôi đủ các loại cá trắm, cá mè, cá chim giải quyết việc làm cho 9 lao động thường xuyên và 12 lao động mùa vụ. Mỗi năm đàn lợn và cá đem lại doanh thu gần 3 tỷ đồng. Thuê nhân công làm, Chinh có thời gian tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, giúp đỡ các học sinh nghèo và gia đình khó khăn trong xã Vũ Lăng.
Có một điều đặc biệt là từ khi chăn nuôi lợn thương phẩm với số lượng lớn đến nay, trang trại của Chinh chưa từng bị dịch bệnh tấn công. Có được điều đó là do Chinh áp dụng kỹ thuật mới cộng với đặt ra một số quy tắc chặt chẽ.
Chinh cho biết, để ra được đến chuồng chăn nuôi, Chinh thiết kế mô hình cửa dích dắc có nước sát trùng bật tự động. Ai đi qua đó đều phải tắm nước sát trùng mới được vào đến chuồng chăn nuôi, kể cả công nhân là người chăm sóc, cho lợn ăn hàng ngày.
Còn người lạ, hiếm khi Chinh cho xuất hiện ở khu chuồng trại, vì yếu tố đảm bảo an toàn cho đàn lợn lên trên hết. Dù công ty hợp tác chăn nuôi có cử kỹ thuật viên về tiêm phòng, theo dõi đàn lợn theo định kỳ nhưng Chinh vẫn tự mày mò trên mạng hàng ngày để tìm kiến thức chăn nuôi lợn tốt nhất. Chinh tự tin, mình đã trở thành chuyên gia đàn lợn của nhà mình.
Để hiểu về kỹ thuật chăn nuôi, Chinh cùng chồng đến các mô hình chăn nuôi lớn trong và ngoài tỉnh xin được học kinh nghiệm. Bất ngờ vì có gia đình trẻ cũng ở Thái Bình có thể chăn nuôi lên hàng nghìn con lợn mà chưa từng bị dịch bệnh, hai vợ chồng xin được "nằm vùng" để học hỏi, từ cách xây chuồng trại, chăm sóc, chẩn đoán dịch bệnh đến quản lý nhân công. |
Nguyễn Hà (TPO)
Bình luận (0)