Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo: Rất thiếu lao động có tay nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Với việc đưa vào hoạt động khu siêu thị Thiên Niên Kỷ rộng trên 7 hécta vào cuối tháng 4.2009, Khu kinh tế thương mại đặc biệt (KTTMĐB) Lao Bảo đang trở thành một địa chỉ du lịch mua sắm hấp dẫn trên tuyến đường bộ mang tên hành lang Đông Tây (EWEC).

Các hoạt động dịch vụ ở đây đang "tăng trưởng nóng" từng ngày, và hiệu quả kép của nó là tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Doanh nhân Việt kiều Jonathan Hạnh Nguyễn – chủ đầu tư dự án siêu thị Thiên Niên Kỷ – nói: "Hiện siêu thị chúng tôi đã tiếp nhận trên 250 nhân viên làm việc tại Lao Bảo. Con số không dừng lại ở đó, vì Tập đoàn IPP vẫn đang mở rộng kinh doanh, tương lai tại đây sẽ có khu vui chơi giải trí cao cấp phục vụ khách du lịch thế giới; vì vậy nhu cầu về tiếp nhận lao động có tay nghề các lĩnh vực khách sạn, bán hàng, tiếp thị… là rất lớn.
Sau khi tuyển được 250 nhân viên bán hàng trong đợt 1 vừa rồi, Cty Thiên Niên Kỷ nhận ra rằng để có được một nhân viên bán hàng chuyên nghiệp, thạo nghề là một việc không dễ dàng".
Nhiều giám đốc các DN dịch vụ nhà hàng khách sạn, xuất nhập khẩu ở khu Lao Bảo cũng than phiền về tình trạng tuyển không ra người làm. Anh Trương Nhật Linh – GĐ Cty khách sạn Sê Pôn – cho biết: Cty muốn mở rộng kinh doanh, cần tuyển thêm trên chục nhân viên ở các vị trí bán hàng, buồng bàn, nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa tuyển đủ.
Du lịch đường bộ Xuyên Á qua cửa khẩu Lao Bảo đang tăng nhanh từng ngày. Các cơ sở hạ tầng phục vụ du khách ở Lao Bảo cũng nở rộ. Nhờ đó đã tạo ra thêm nhiều việc làm mới.
Theo thống kê của Ban quản lý Khu KTTMĐB Lao Bảo thì từ tháng 10.2008 đến nay (7 tháng), số lao động ở khu này đã tăng thêm gần 1.000 người; đó là chưa kể số lao động phổ thông ở các ngành xây dựng, giao thông… làm việc tại khu cũng tăng thêm rất đáng kể do các nhà đầu tư nước ngoài vẫn triển khai dự án tại Lao Bảo trong thời gian đó.
Lý giải về tình hình tăng trưởng thương mại, đầu tư và việc làm ở khu Lao Bảo trong bối cảnh khủng hoảng thời gian qua, ông Lê Hữu Thăng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh QT, kiêm Trưởng BQL khu Lao Bảo – nói: "Những chính sách ưu đãi về thuế, về đất đai, và những lợi thế cạnh tranh như vị trí đắc địa nhất trên đầu cầu EWEC, cam kết của địa phương về sự thông thoáng, rải thảm đối với nhà đầu tư đã trở nên là lực hút mạnh mẽ, hiệu quả đối với các nhà kinh doanh.
Hầu hết các nhà đầu tư đến Lao Bảo đều có cái nhìn dài hạn, và thực tế đã trả lời, đầu tư vào Lao Bảo không còn là chuyện đón đầu nữa mà là "vừa gieo hạt, vừa thu hoạch" rồi. Chuyện Lao Bảo không đủ phòng ốc khách sạn đón khách du lịch quốc tế cách đây vài năm là chuyện dự báo, nhưng nay đã thành hiện thực mặc dù hiện đã có vài trăm phòng đạt chất lượng. Về lao động, các DN ở đây rất thiếu LĐ có tay nghề, có lý do là số có nghề, giỏi giang thì "cố thủ" ở thành phố, đồng bằng".

Lâm Chí Công (laodong)

 

 

Bình luận (0)