Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lao động dệt may Không còn giá rẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Vụ sập xưởng may khiến hơn 1.100 người thiệt mạng ở thủ đô Dhaka, Bangladesh được xem là thảm họa ngành công nghiệp có số người chết lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Tại Việt Nam, chế độ tiền lương và chính sách chăm lo đời sống cho lao động được doanh nghiệp thực hiện tốt. Và điều này đã được nhiều báo chí nước ngoài ghi nhận, đánh giá tích cực.

Nỗi buồn từ Bangladesh

Thảm họa này đã làm Chính phủ Bangladesh và các nhà nhập khẩu nước ngoài phải có hành động để cải thiện điều kiện làm việc và chế độ hỗ trợ cho lao động dệt may ở đất nước này. Sau hơn 3 tuần xảy ra thảm họa, Chính phủ Bangladesh đã tiến hành kiểm tra, đóng cửa nhiều nhà máy may trái phép, nhiều hãng bán lẻ lớn ở châu Âu đã cam kết cải thiện an toàn lao động tại đây.

Trong các nước mạnh về xuất khẩu hàng dệt may ở khu vực châu Á, Bangladesh được xem là nước có giá bán rất cạnh tranh vì giá nhân công thấp. Giá nhân công bình quân ở Bangladesh hiện ở mức dưới 100 USD/tháng/người, thấp hơn cả Pakistan và Sri Lanka. Chính vì vậy, Bangladesh đã trở thành một trong những đối thủ cạnh tranh lớn của các nước trong khu vực vì nhân công giá rẻ. Theo số liệu bà Dhyana Van der Pols, chuyên gia tư vấn dệt may của Tổ chức Xúc tiến xuất khẩu từ các nước đang phát triển sang EU (CBI) thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, chia sẻ tại TPHCM mới đây, Bangladesh hiện là nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất vào EU – thị trường có hơn 500 triệu dân nhưng chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may toàn cầu, với hơn 250 tỷ USD trong năm 2012.

Lao động làm việc tại Xí nghiệp Minako (Công ty cổ phần May Sài Gòn 3) . Ảnh: MỸ HẠNH

So sánh tình hình sản xuất và giá bán xuất khẩu giữa 3 nước Việt Nam, Bangladesh và Campuchia, bà Dhyana Van der Pols khuyên doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) để tăng giá trị. Vì hiện nay, doanh số bán của Việt Nam có tăng nhưng giá bán không tăng tương ứng vì còn chú trọng vào gia công. Trong khi đó, doanh số của Bangladesh không tăng nhưng giá bán tăng mạnh vì ngành may mặc Bangladesh chú trọng vào giá trị cộng thêm để khách hàng chịu trả thêm chi phí. Với Campuchia thì giá không tăng nhưng doanh số tăng rất mạnh và điều này chỉ dẫn đến cuộc đua…tới đáy, không thể gọi là phát triển! Rõ ràng, doanh nghiệp dệt may Bangladesh đang có giá bán tốt hơn nhiều nước xuất khẩu dệt may khác ở thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này nhưng vì sao, điều kiện lao động và mức lương trả cho người lao động ở đây vẫn còn thấp? Phải chăng, chủ doanh nghiệp dệt may Bangladesh là những người nắm giữ phần nhiều lợi nhuận và các nhà nhập khẩu dệt may từ Bangladesh đã “ngó lơ” các yêu cầu về trách nhiệm xã hội?

Không thể cạnh tranh vì giá rẻ

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sai Gòn 3 khẳng định, cụm từ “doanh nghiệp bóc lột lao động” không tồn tại trong các nhà máy, xí nghiệp dệt may tại Việt Nam. Lao động cũng như hàng hóa trên thị trường, doanh nghiệp nào trả giá cao thì có lao động! Đây cũng là một trong những chính sách thu hút lao động khi thị trường dệt may đang thiếu lao động. Trước áp lực gia tăng chi phí đầu vào, phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đều chấp nhận giải pháp giảm lợi nhuận, thậm chí chấp nhận không lãi để hỗ trợ, chăm lo tốt đời sống người lao động. Ông Hồng cho rằng, vì có chăm lo tốt cho người lao động thì họ mới gắn bó với mình lâu dài hơn và đều này rất có lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong việc giữ đội ngũ công nhân có tay nghề cao, để gia tăng năng suất làm việc.

Hiện nay, Nhà nước áp dụng mức lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp, với mức lương tối thiểu vùng 1 (TPHCM) là 2,35 triệu đồng/tháng/người. Trên thực tế để giữ được lao động, mức lương thấp nhất mà các doanh nghiệp tại TPHCM trả cho người lao động phải gấp đôi, ít nhất 4 – 4,5 triệu đồng/tháng/người, nếu trả thấp sẽ không có lao động. Nhiều doanh nghiệp lớn có năng suất cao, kinh doanh hiệu quả trả mức cao bình quân 5,5 – 6,6 triệu đồng/tháng/người. Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex) cho biết, việc điều chỉnh tăng lương cho người lao động từ năm 2013 sẽ làm cho các khoản chi đầu vào, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… của doanh nghiệp (4.500 lao động) tăng lên 1 tỷ đồng/tháng so với năm 2012. Nếu tính cả năm 2013, mức tăng doanh nghiệp phải trả là 12 tỷ đồng, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận.

Tuy nhiên, chăm lo đời sống người lao động vẫn là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Giá bán không tăng, trong khi chi phí đầu vào tăng liên tục như hiện nay thì ngành dệt may Việt Nam không thể cạnh tranh vì giá rẻ! Không chỉ chọn giải pháp “cả hai cùng có lợi” với các nhà nhập khẩu mà doanh nghiệp dệt may trong nước cũng phải áp dụng chính sách này với người lao động. Việt Nam được các nhà nhập khẩu lựa chọn bởi doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã và đang thay đổi mình để thích ứng với điều kiện mới.

Doanh nghiệp chú trọng đầu tư nhà xưởng, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, trách nhiệm xã hội vì đây là một trong những điều kiện đầu tiên mà rất nhiều nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ lớn của thế giới xem xét, đưa ra quyết định đặt hàng tại Việt Nam.

MỸ HẠNH (SGGP)

Bình luận (0)