Hằng năm, TP.HCM có gần 100.000 sinh viên (SV) tốt nghiệp các trường ĐH – Học viện – CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, trong đó, hơn 50.000 SV làm việc tại TP. Thế nhưng, SV về công tác tại các huyện ngoại thành rất ít.
Trước tình trạng này, trong giai đoạn 2010 – 2015, TP đưa ra các giải pháp thu hút 500 SV tốt nghiệp về ngoại thành/năm, nhưng có vẻ như không mấy khả thi.
Theo thống kê của Sở Nội vụ, năm huyện Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh và Nhà Bè thiếu trầm trọng nguồn nhân lực ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành sư phạm và y tế. Năm học 2010 – 2011, TP thiếu giáo viên mầm non, tiểu học và trung học, giáo viên thể dục, địa, sinh, đặc biệt là giáo viên mầm non ở ngoại thành: Bình Chánh thiếu 224 GV, Củ Chi thiếu 60 GV; Nhà Bè thiếu 22 GV; Hóc Môn thiếu 18 GV.
Bà Võ Thị Yến – Phó chủ tịch UBND H.Hóc Môn cho biết: “Huyện đang thiếu nhiều cán bộ chủ chốt trong các lĩnh vực. Cụ thể như lĩnh vực kinh tế đang cần 12 cán bộ trẻ; lĩnh vực hành chính cần 30 người; luật cần 30 người; văn hóa, xã hội: 20 người. Đặc biệt, ngành xây dựng cần rất nhiều cán bộ quản lý đô thị trong quá trình đô thị hóa”. Bà Yến mong sẽ nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ, đặc biệt là SV năm cuối các trường ĐH. “Riêng đối với SV thường trú ở tỉnh khác, nếu chưa có KT3, huyện sẽ tạo điều kiện đăng ký tạm trú và có nhiều chế độ phụ cấp, trợ cấp, tạo cơ hội nâng cao trình độ để các SV này về làm việc tại huyện”.
Trí thức trẻ cần được tạo điều kiện về môi trường làm việc để phát huy chuyên môn, nghiệp vụ – Ảnh minh họa
|
Trong khi đó, mỗi năm vẫn có không ít SV không kiếm được việc làm. Nhiều SV tốt nghiệp ĐH hệ chính quy cho biết, làm việc ở phường, xã lương chỉ gần hai triệu đồng/tháng, trong khi làm ở doanh nghiệp tư nhân mức lương có thể gấp đôi, gấp ba.
SV Phạm Phương Thư, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng: “SV mới ra trường luôn muốn có cơ hội làm việc, tích lũy kinh nghiệm. Vì thế, chính quyền các địa phương cần nêu rõ lộ trình công tác, thời gian đào tạo chuyên sâu, hỗ trợ phương tiện di chuyển, cư trú cho SV ở nội thành. Sau thời gian công tác ở ngoại thành, họ phải được bố trí công việc phù hợp khi quay lại nội thành”.
SV Kiều Anh Vũ (ĐH Luật TP.HCM) bộc bạch: “Chúng em không đòi hỏi quá cao, nhưng lương phải ở mức chấp nhận được để tự nuôi sống bản thân. Bên cạnh đó, phải được tạo điều kiện nâng cao chuyên môn. Ngoài ra, các địa phương cần khắc phục tư tưởng bảo thủ, coi trọng “chủ nghĩa kinh nghiệm”,… để chúng em có cơ hội cống hiến, sáng tạo”.
Để khắc phục tình trạng trên, Thành đoàn TP đã đề xuất Sở Nội vụ triển khai đề án Tổ chức, vận động SV tốt nghiệp khá, giỏi về công tác tại các huyện ngoại thành giai đoạn 2010 – 2015. Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch Hội SV TP.HCM cho biết: “Đề án đặt mục tiêu vận động 500 SV tốt nghiệp loại khá giỏi về công tác tại năm huyện, ưu tiên các lĩnh vực: sư phạm (mầm non, tiểu học, THCS và THPT); y tế cộng đồng, dược; quản lý hành chính, dự án, nguồn nhân lực, giáo dục. Cán bộ trẻ về công tác tại các huyện sẽ được hưởng lương từ 3 triệu – 3,5 triệu đồng/tháng, được bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ.
Trở ngại lớn nhất ở các địa phương hiện nay là quy trình tuyển chọn, đề bạt còn thiếu công khai, minh bạch; chính sách đãi ngộ trí thức trẻ về công tác chưa tương xứng; sau tuyển dụng, trí thức trẻ chưa được quan tâm đúng mức; việc tuyển dụng còn rườm rà khiến nhiều trí thức trẻ không có cơ hội được cống hiến.
Để giải quyết được những bất cập trên đòi hỏi nhiều giải pháp và có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp liên quan; trong đó vấn đề quan trọng hàng đầu là giải pháp về cơ chế đãi ngộ”.
Quỳnh Mai – Luân Thành / Phụ Nữ
Bình luận (0)