Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nhọc nhằn chuyện công nhân ở trọ

Tạp Chí Giáo Dục

Theo kế hoạch vừa được UBND TPHCM phê duyệt, đến năm 2015, TP phấn đấu giải quyết 50% nhà ở cho khoảng 500.000 công nhân (CN) ở các KCX-KCN. Tuy nhiên, đến nay, toàn TP mới có khoảng 12 nhà lưu trú tại các KCX-KCN, giải quyết chỗ ở cho gần 16.000 CN!

Mỗi ngày, chị Lê Thị Kim Trinh phải tát nước khỏi phòng trọ nếu như muốn có chỗ nằm khô ráo. Ảnh: PHAN ANH

Tồi tàn xóm trọ

Tại khu vực KCN Tân Tạo (quận Bình Tân – TPHCM), rất dễ bắt gặp CN chen chúc trong những khu nhà trọ. Đồng lương ít ỏi buộc họ phải ở ghép trong các căn phòng tồi tàn, chật hẹp. Ghé vào khu nhà trọ 576/17 Hồ Học Lãm đúng lúc gần chục nữ CN đang tát nước ra ngoài, chị Lê Thị Kim Trinh, CN Công ty Sunnting Fashion Việt Nam (KCN Tân Tạo), phân bua với chúng tôi: “Hôm nào triều cường lên là phòng ngập lênh láng, hôi hám”.

Phòng trọ của chị Trinh và 2 CN khác rộng chưa đầy 10 m2, nền nhà thấp hơn mặt đường nên ngập nước thường xuyên. Mấy phòng trọ bên cạnh cũng tương tự.

Phòng trọ của anh Trần Văn Đệ (quê Bạc Liêu), CN Công ty Ắc quy Sài Gòn, nằm sâu trong một con hẻm của đường Hồ Học Lãm. Căn phòng rộng chừng 8 m2, tường dán đầy giấy, báo để che những vết nứt, thấm loang lổ. Anh Đệ ở cùng 5 người khác với giá thuê 1 triệu đồng/tháng. Anh tâm sự: “Thời buổi khó khăn, thứ gì cũng tăng giá nên anh em hùn nhau ở cho đỡ tốn kém. Cái cảnh ở ghép, “xếp cá mòi” tụi tôi quen rồi”.

Tại khu nhà trọ bà Mười ở đường Nguyễn Cửu Phú, khu phố 4, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, hơn 100 CN cũng “xếp cá mòi” trong những căn phòng nhỏ xíu. Mỗi phòng trọ ngang chừng 1,5 m, dài 2 m, bốn bên vách ván ép có 2 CN ở. Giá thuê phòng là 600.000 đồng/phòng/tháng; chưa kể phụ thu tiền điện 3.500 đồng/KWh, nước 20.000 đồng/m3.

Tắm rửa, giặt giũ phải xếp hàng

Không riêng gì ở quận Bình Tân, gần các KCX – KCN ở quận 7, quận 12, quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh…, tình trạng CN ở ghép trong các nhà trọ ổ chuột cũng khá phổ biến. Ở một con hẻm gần cầu vượt Linh Xuân (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức), cả trăm CN của KCX Linh Trung 1 đang tá túc trong các nhà trọ như thế.

Chỗ ở như vậy nên điều kiện sinh hoạt của CN gặp rất nhiều khó khăn. Chị Lanh, CN Công ty Latex (KCX Linh Trung 1 – TPHCM) và gần 50 CN đang ở chung trong khu nhà trọ trong một con hẻm đường số 10, phường Linh Xuân, cho biết cả khu nhà trọ có 14 phòng nhưng chỉ có vài nhà vệ sinh chung. Vì thế, chuyện sinh hoạt cá nhân của mọi người gặp rất nhiều khó khăn. Để tránh phiền hà, trước khi về nhà trọ, chị Lanh và những CN khác thường tranh thủ “giải quyết việc riêng” ở công ty.

Còn cả khu nhà trọ bà Mười có gần 60 phòng với hơn 100 CN, sử dụng chung 3 nhà vệ sinh, 4 nhà tắm. Cảnh xếp hàng chờ diễn ra thường xuyên. Một nữ CN nói: “Trời nắng thì nóng như lò lửa, còn trời mưa thì ướt như chuột lột. Nhiều lúc muốn “trút bầu tâm sự” phải đợi lâu tới mức không chịu nổi. Chủ nhật muốn giặt đồ phải tranh thủ “xí” chỗ trước. Khổ lắm nhưng không còn cách nào khác”.

Con khổ theo cha mẹ

Đối với những CN đã có gia đình thì khó khăn càng thêm chồng chất. Vợ chồng chị Lê Thị Huyền Trang, CN Công ty Pou Yuen và con trai 16 tháng tuổi thuê phòng trọ ở đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân. Chỗ ở chật chội, không gian dành cho con gần như không có. Đã vậy, mỗi khi trời mưa lớn hay triều cường thì phòng ngập nước, mùi hôi thối khó chịu. Dù chăm sóc cẩn thận nhưng con chị vẫn bị bệnh ngoài da; nổi mẩn đỏ, ghẻ chốc.

Phòng trọ của chị Vân, CN Công ty Pou Yuen, nằm sâu trong một con hẻm đường Lê Nhung, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Gọi là phòng trọ nhưng chỉ là 4 tấm tôn chèn vách, chung quanh toàn bụi cây rậm rạp. Chị Vân than thở: “Ban ngày, trời nắng nóng nực không chịu nổi, phải mở quạt suốt ngày; còn buổi tối, muỗi nhiều vô số kể. Hai đứa nhỏ của tôi bị muỗi đốt mà nổi ghẻ đầy mình, bôi thuốc hoài không hết”.

Chuyện nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc con cái trở thành gánh nặng của các bà mẹ CN ở trọ. Chị Trần Thị Huệ, CN Công ty TNHH Freetrend Việt Nam (KCX Linh Trung 1), cho biết: “Con còn nhỏ thì khổ khác, con lớn một chút thì khổ khác vì nhà chật quá không có chỗ cho con ngủ nghỉ, học hành. Cuối cùng, tôi đành phải gửi con về quê nhờ cha mẹ chăm sóc”.

Theo Người lao động

Bình luận (0)