Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Lao đao thị trường xuất khẩu lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong bốn tháng đầu năm 2011, tổng số lao động (LĐ) VN được các nước tiếp nhận là 29.842 người. Sau thời gian dài các doanh nghiệp (DN) nỗ lực mở rộng thị trường mới khu vực châu Âu, Bắc Phi, khai thác thị trường tiềm năng châu Á (Singapore, Macau), nay khả năng tiếp cận của LĐ VN bị thu hẹp và quay về với bốn thị trường truyền thống: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia.

Kết quả thẩm định hợp đồng của các DN triển khai đến hết tháng 9/2011 với nhu cầu tuyển dụng trên 16.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở hai thị trường Đài Loan (khoảng 7.000 người) và Nhật Bản (trên 5.000 người). Các thị trường mới, thị trường tiềm năng chỉ tuyển dụng nhỏ giọt hoặc không có nguồn cung ứng. Cụ thể, thị trường thu nhập cao như Mỹ, Canada, Úc gần như đóng băng, Ả-rập Xê-ut, UAE chỉ tuyển từ 120-170 LĐ/tháng, Macau trên 100 LĐ/tháng và thị trường chủ lực Malaysia tuyển chưa tới 1.000 LĐ/tháng. Một số công ty không có hợp đồng tuyển dụng hoặc tuyển không đủ chỉ tiêu nên bị rút giấy phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài hoặc tự ngưng hoạt động xuất khẩu LĐ như Công ty Vạn Xuân và Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4.
Thị trường xuất khẩu lao động lại đứng trước khó khăn, thách thức mới
138 DN được phép đưa LĐ vào Malaysia trong quý 3/2011 chỉ có 67 hợp đồng tuyển dụng trên 2.000 LĐ. Với hai ngành nghề chính là dệt may và điện tử, thu nhập từ 3,5-6 triệu đồng/người/tháng tùy theo tình hình kinh tế và LĐ có việc nhiều hay ít. Vì thế, dù chi phí dịch vụ rất thấp 1.000 USD/người do các công ty tạm ứng cho người LĐ, sau đó trừ dần vào lương hàng tháng nhưng LĐ vẫn không mặn mà. Anh Nguyễn Đức Tân (cán bộ phụ trách thị trường Malaysia, Công ty thương mại dịch vụ TSC) cho biết: “Tuyển LĐ đi Malaysia hiện rất khó khăn, công ty về tận các tỉnh đào tạo người, phối hợp với ngân hàng chính sách, phòng LĐ các địa phương làm thủ tục hồ sơ cho LĐ nhưng khi đến gần ngày xuất cảnh, nhiều LĐ sẵn sàng bỏ hợp đồng, 80 người làm thủ tục chỉ còn 20 LĐ xuất cảnh trong quý 2/2011”.
Khai thác thị trường bậc cao: thợ hàn đi Bồ Đào Nha hay thợ làm bánh, đầu bếp đi Úc, Canada, các DN bị vướng ở khâu đào tạo và cấp chứng chỉ tay nghề. Cụ thể như Công ty Lasec, sau thời gian dài đưa LĐ làm bánh và nghề bếp vào Úc với thu nhập từ 1.000-2.000 USD/người/tháng, Lasec mời cả chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn học viên và cấp chứng chỉ học nghề theo chuẩn mà Úc quy định. Sau ba năm cung ứng, số lượng LĐ cạn dần, chi phí cao nên Lasec đã chính thức ngưng hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Tương tự, Công ty dịch vụ dầu khí OSC, đơn vị đi đầu trong việc tuyển LĐ ngành du lịch vào thị trường Anh, một thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng LĐ, chuẩn tay nghề. Trong ba năm, OSC đã đưa được gần 100 LĐ làm việc tại Anh, tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn, OSC cũng không tìm đâu ra nguồn LĐ đạt chuẩn để cung ứng và tạm ngưng dịch vụ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải (Phó giám đốc Công ty xuất khẩu LĐ LSC) nhận định: “DN thật khó bám trụ trong tình hình kinh tế khó khăn, các nước kiểm soát chặt chẽ nguồn LĐ nước ngoài và chất lượng cung ứng; VN lại chưa thống nhất được vấn đề chi phí dịch vụ ở các thị trường nên xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Phí DN khai thác và mở thị trường mới cao nên đẩy phí dịch vụ tăng đối với người LĐ. DN vì thế vừa mở thị trường mới đã phải đóng vì không tuyển đủ quân số. Người LĐ chọn thị trường giá rẻ thì rủi ro cao vì thiếu việc làm, thu nhập thấp. Thị trường cao cấp với vốn vay đa số từ ngân hàng thì hiện nay cả người LĐ và DN đều không kham nổi”. Con số 500.000 LĐ VN đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ nay thu hẹp dần. Chỉ tiêu đưa 87.000 LĐ ra nước ngoài làm việc năm 2011 của các DN xem ra khá bấp bênh.
Song Khê / Phụ Nữ

 

Bình luận (0)