Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Giải pháp nào cho bài toán quan hệ lao động?

Tạp Chí Giáo Dục

Một vụ đình công xảy ra hồi năm 2008 ở khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

Bóc lột, ngược đãi công nhân ở các doanh nghiệp không phải là chuyện mới, cũng không hiếm, nhất là ở một nước đang dựa rất nhiều vào đầu tư để phát triển như Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, khi mà việc tìm kiếm lợi nhuận trở nên quá khó khăn, một số ông chủ hám lợi dễ có xu hướng quay sang tập trung bắt chẹt kẻ yếu, phụ thuộc vào mình, tức là người thợ, người làm công: bằng cách này, họ có thể giảm được chi phí sản xuất và qua đó, tăng thu lợi nhuận.

Quan hệ chủ-thợ, do sự chênh lệch tự nhiên, cố hữu về sức mạnh kinh tế của hai bên, luôn là mối quan hệ bất bình đẳng mà thế yếu thuộc về người thợ. Không đủ khả năng tự bảo vệ, người làm công cần sự trợ lực, nâng đỡ từ bên ngoài để có thể đứng vững trước ông chủ. Giữ chức năng người bảo đảm trật tự và công bằng xã hội, nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc này. Hoàn thiện pháp luật lao động, xây dựng hệ thống giám sát, thanh tra lao động nhạy bén, trong sạch, mẫn cán và có uy quyền là những biện pháp chủ lực.

 

Tại doanh nghiệp, tổ chức công đoàn phải đảm nhận tốt vai trò người nói tiếng nói tập thể của công nhân trong quá trình giao tiếp chính thức với chủ doanh nghiệp. Công đoàn đồng thời phải là người vạch kế hoạch, hướng dẫn, chỉ huy các hành động mang tính phản ứng tập thể để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của công nhân, trong các trường hợp cần thiết, như đình công… phù hợp với các quy định của pháp luật.

Người ta nói rằng trong thời gian qua hầu hết các cuộc đình công, nói chung các động thái phản ứng của công nhân chống sự chèn ép của chủ, được thực hiện không đúng luật và không đem lại hiệu quả.

Một trong những lý do chính được chỉ ra là tổ chức công đoàn không thực sự đồng hành với người lao động; bản thân người lao động chỉ coi công đoàn như một cơ quan hành chính, đảm nhận chức năng trung gian thương thảo trong việc giải quyết xung đột giữa công nhân và giới chủ, chứ không phải là chỗ dựa trong cuộc đấu tranh của mình.

Thực ra, đó chỉ là lý do bề ngoài, là hệ quả của một lý do sâu xa hơn: trong khung cảnh luật hiện hành, bản thân cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp, suy cho cùng, chỉ là người làm công ăn lương của chủ; họ chưa được hưởng sự bảo vệ hữu hiệu và kín kẽ của luật pháp, cho phép có được sự tự tin cần thiết khi đương đầu với chủ doanh nghiệp trong tư thế đại diện cho tập thể người lao động. Cần có cam kết mạnh mẽ của người làm luật và cả của bộ máy công quyền về việc bảo đảm cho người làm công tác công đoàn không trở thành nạn nhân của những biện pháp trả đũa vì đã dũng cảm đứng mũi chịu sào trong việc yêu sách, đòi hỏi sự công bằng cho người lao động.

Xã hội có tổ chức, về phần mình, cũng có thể hỗ trợ người lao động củng cố thế đứng của người đánh đổi sức lực, kỹ năng nghề nghiệp để nhận đồng lương. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là tạo ra sức ép của công luận, nhất là của tập thể người tiêu dùng, để chủ doanh nghiệp có thái độ cư xử đúng mực trong quá trình sử dụng lao động.

Theo quan niệm được chấp nhận ở các nước tiên tiến, một sản phẩm được gọi là tốt không chỉ có chất lượng kỹ thuật tốt, mà còn phải là kết quả của một quy trình sản xuất bảo đảm tính đạo đức, nhân văn. Tư tưởng chủ đạo là: con người văn minh không có quyền duy trì, phát triển sinh lực của mình bằng cách lấy đi sinh lực của đồng loại, không thể vun đắp hạnh phúc cho mình bằng cách tước bỏ hạnh phúc của người khác. Được thực hiện trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm sự tôn trọng thân thể và cả danh dự, phẩm giá của tất cả các chủ thể liên quan, đặc biệt là của người lao động làm thuê.

Xã hội, nghĩa là người tiêu dùng, có bổn phận tẩy chay những sản phẩm được làm ra từ việc vắt kiệt sức của người công nhân, từ việc đày ải người làm thuê trong hoàn cảnh lao động khổ sai, từ một quy trình sản xuất được thúc đẩy bằng những mệnh lệnh mang tính nhục mạ, xúc phạm. Tiêu dùng những sản phẩm loại này, trong chừng mực nào đó, có thể bị coi là đã tiếp tay, đồng lõa với giới chủ trong việc thực hiện những hành vi phi đạo đức ấy, thậm chí, đã thực hiện hành vi ấy một cách gián tiếp.

Nhưng để sự trừng phạt thực sự có tác dụng răn đe thiết thực đối với chủ doanh nghiệp, điều cần thiết là nó phải thể hiện ý chí mang tính xã hội, cộng đồng. Sự tẩy chay sản phẩm chỉ khiến chủ doanh nghiệp khiếp sợ một khi đó tỏ ra là động thái của cả một tập thể có tổ chức, kỷ luật và có ý đồ, mục tiêu chung, không phải là hành vi tự phát của các cá nhân, được thôi thúc bởi những bức xúc riêng, trùng hợp một cách tình cờ.

Rõ hơn, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển mạng lưới hiệp hội tự nguyện của người tiêu dùng. Chính hội này, chứ không phải ai khác, mới là người có đủ tư cách phát hiệu lệnh hành động đồng loạt của hội viên, tạo thành một luồng ứng xử mang dáng dấp quyền lực xã hội, có khả năng uốn nắn, điều chỉnh hành vi của các ông chủ phù hợp với các khuôn mẫu của luật pháp và đạo đức.

Theo TBKTSG

Bình luận (0)