Báo cáo mới được công bố về các khuynh hướng kinh tế toàn cầu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết lao động nữ là nạn nhân lớn nhất của suy thoái kinh tế: năm 2009 dự kiến có 22 triệu phụ nữ mất việc làm.
Nongnuch Thansoongnern, 38 tuổi, hiện phải bán rau để kiếm sống qua ngày. Cô đã làm công nhân 11 năm cho Công ty dệt Wa Thai (Thái Lan) – Ảnh: Reuters |
“Thậm chí trước khủng hoảng đã tồn tại sự phân biệt đối xử giữa nữ và nam trên thị trường lao động. Số lao động nữ vốn đã ít hơn nam và nữ cũng có nguy cơ bị sa thải lớn hơn. Nay cuộc khủng hoảng lại ngày càng nới rộng khoảng cách đó” Gyorgy Sziraczki (nhà kinh tế học làm việc ở trụ sở của ILO tại châu Á – Thái Bình Dương) |
Cô Chalad Chasaeng, công nhân may, là một trường hợp điển hình. Sau 15 năm làm việc trong nhà máy sản xuất đồ bơi ở Bangkok (Thái Lan), cô phải nhận khoản trợ cấp thôi việc 110.000 baht (khoảng 3.300 USD).
Nhà máy nơi Chasaeng làm việc vừa sa thải 1.900 công nhân, hầu hết là lao động nữ. Khó khăn đang chờ cô phía trước khi phải nuôi hai đứa con, người chồng đau ốm cùng cha mẹ. “Tôi không nghĩ công ty làm như thế với tôi. Tôi là một công nhân giỏi” – Chasaeng than vãn.
Hàng triệu công nhân nữ ở châu Á đang trong tình cảnh như Chasaeng, như các nhà kinh tế và hoạt động xã hội vì quyền bình đẳng giới lưu ý. Thống kê mới nhất của ILO cho thấy số phụ nữ thất nghiệp đã tăng 5,7% trong năm 2009 so với 4,9% lao động nam giới.
Cũng theo báo cáo trên, phụ nữ hiện nắm giữ 1,2 tỉ việc làm (40%) trong số 3 tỉ lao động trên toàn cầu và tỉ lệ thất nghiệp ở nữ giới có thể khoảng 6,5-7,4% so với 6,3-7,1% ở nam giới. Lucia Victor Jayaseelan, thuộc Ủy ban phụ nữ châu Á – một mạng lưới có trụ sở tại Bangkok với hơn 40 tổ chức phụ nữ ở 14 nước châu Á, khẳng định phụ nữ chiếm 80-90% trong số hàng chục triệu người dự kiến sẽ bị mất việc tại châu Á – Thái Bình Dương năm 2009.
Ở châu Á, nhiều nền kinh tế dựa vào xuất khẩu với thế mạnh như dệt may và linh kiện điện tử, nơi có tỉ lệ công nhân nữ cao, nay đang bị ảnh hưởng nặng do suy thoái kinh tế. Đó là chưa kể hàng triệu lao động xuất khẩu tại các nước châu Á cũng là phụ nữ đã và đang đối mặt với nguy cơ mất việc. Gia đình những lao động nữ đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì không nhận được tiền gửi từ nước ngoài nữa, như ở Indonesia, nơi 80% lao động xuất khẩu là phụ nữ, hay Philippines, nơi tiền gửi từ nước ngoài của lao động xuất khẩu chiếm 12% GDP.
Quỹ vì phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (UNIFEM) đã yêu cầu các chính phủ ở châu Á cân nhắc vấn đề hỗ trợ lao động nữ khi đưa ra các gói kích cầu. Trong phân tích về các gói kích cầu ở 10 nước của UNIFEM, tổ chức này cho biết hầu hết chi tiêu tài chính được rót trực tiếp cho các ngành nơi lao động nam giới chiếm ưu thế và không có các biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ những ngành nghề có nhiều lao động nữ.
Các chuyên gia lo ngại trong tình hình hiện tại, ngay cả khi kinh tế hồi phục, với quá nhiều phụ nữ đã mất việc làm, những tiến bộ trong bình đẳng giới đã đạt được sẽ bị đe dọa. Juan Somavia, tổng giám đốc ILO, kết luận: “Bất bình đẳng giới trên thế giới đã tồn tại từ lâu, nhưng đã trở nên nghiêm trọng hơn do cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, phụ nữ cũng thường phải hứng chịu những hậu quả tiêu cực nhanh hơn và khi hồi phục, họ lại được hưởng những lợi ích chậm hơn”.
HẢI MINH (TTO)
Bình luận (0)