Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Quyền sở hữu trí tuệ: “Chờ được vạ, má đã sưng”!

Tạp Chí Giáo Dục

Đó có thể là câu đúc kết rất súc tích về hiện trạng xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội thảo “SHTT trong môi trường thương mại toàn cầu: giải pháp khắc phục điểm yếu cho doanh nghiệp Việt” do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, tạp chí Tia Sáng và cục Sở hữu trí tuệ (bộ Khoa học và công nghệ) tổ chức tại TP.HCM hôm qua, 28.5.2013.

Về mặt pháp lý, để bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính, đã có các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức thực thi quyền như quản lý thị trường, công an, toà án… Nhưng ông Đào Trọng Đại, trưởng ban pháp chế công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, doanh nghiệp đang rất đơn độc trong cuộc chiến chống hàng giả. “Chúng tôi phải tự tổ chức điều tra, phát hiện để ngăn chặn. Chuyển ra toà thì phải mất sáu tháng đến một năm. Được vạ, má sưng!”, ông Đại nói.
Cá tầm do doanh nghiệp Việt Nam nuôi đã có code giúp người dùng nhận diện, chống hàng giả. Ảnh: Đặng Hoàng
Không dễ tìm hỗ trợ
Ông Ngô Đức Hoà, chủ tịch hội đồng quản trị công ty CP may quốc tế Thắng Lợi, bức xúc: “Vấn đề thực thi quyền SHTT, nói nhiều, nói nữa, nói mãi vẫn thế. Tôi làm hàng bán giá 800.000 đồng thì họ nhái và bán 400.000 đồng. Tôi biết Việt Tiến cũng bị hàng giả, hàng nhái nhiều và hỏi kinh nghiệm đối phó của họ thì được trả lời: không làm gì được đâu!”
15 năm tham gia thị trường thời trang là ngần ấy thời gian những người có trách nhiệm của công ty thời trang Foci (TP.HCM) đau đầu với chuyện hàng gian, hàng giả. Phó tổng giám đốc Foci Ngô Thị Báu cho biết: “Foci vừa tốn tiền, vừa tốn công sức để bảo vệ thương hiệu và trong hành trình này, doanh nghiệp không chỉ cô độc còn gặp những phiền toái từ các cơ quan thực thi pháp luật”.
Nhiều chủ doanh nghiệp khẳng định, họ sẵn sàng bỏ tiền và công sức để bảo vệ quyền SHTT nhưng trên thực tế, nếu không có sự hỗ trợ từ các cơ quan thực thi có trách nhiệm thì chống hàng nhái là “bất khả thi”. Nhưng tại buổi hội thảo, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, phối hợp với các cơ quan chức năng không dễ dàng chút nào.
Theo lời ông Đại, trong những lần tìm hiểu hàng gian trên thị trường, PNJ chưa thể phối hợp với quản lý thị trường vì những phức tạp mà chính doanh nghiệp cũng không lường hết được! Bà Báu kể, có lần Foci phối hợp với quản lý thị trường điều tra hàng nhái hàng giả dù giá trị lô hàng này chẳng bao nhiêu. Theo yêu cầu của quản lý thị trường, Foci phải xác minh nguồn gốc lô hàng đó để làm bằng chứng, trong khi đó quản lý thị trường lại kiểm tra Foci có làm hàng giả hay không.
Doanh nghiệp độc hành
Trong nước, hành trình đi tìm công lý đã khó, ngoài nước, hành trình ấy càng gian nan vất vả. Sau sự kiện bà Hai Tỏ (Bến Tre) thắng kiện đối tác Trung Quốc, nay là câu chuyện của ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Vinamit.
Ông Viên kể: khi mở rộng thị trường sang Trung Quốc, cứ nghĩ rằng thương hiệu Vinamit đã được đăng ký ở Việt Nam, nghĩa là không cần đăng ký ở quốc gia khác vì đã có tên có tuổi hẳn hoi! Nắm được sơ hở này, năm 2007, một đối tác của Vinamit ở Trung Quốc đã đăng ký thương hiệu Vinamit dưới cái tên Trung Quốc. “Kể từ đó, nhiều khách hàng biết Vinamit ở Trung Quốc biết đến thương hiệu Vinamit bằng ngôn ngữ Trung Quốc chứ không bằng… Vinamit”, ông Viên cười. Hàng hoá của Vinamit bị rút khỏi quầy ở hàng loạt siêu thị, nhường chỗ cho doanh nghiệp làm hàng giả.
“Vì họ có đăng ký tại thị trường Trung Quốc nên họ được quyền đó. Còn tôi không có đăng ký nên thua cuộc, từ một người làm ăn đàng hoàng trở thành người không đàng hoàng”, ông Viên chua xót. Quyết không thua cuộc, năm 2010, qua bạn bè, ông Viên tìm được nhóm luật sư ở Bắc Kinh có khả năng giúp ông Viên thắng kiện. Theo lời ông Viên, luật Trung Quốc cho rằng, nếu chứng minh người làm hàng nhái có quan hệ với Vinamit thì Vinamit sẽ thắng kiện. Cuối cùng, ông Viên tìm ra giấy khai sinh của người đăng ký thương hiệu chính là em của đối tác làm ăn với Vinamit trước đây. Năm 2013, toà công bố Vinamit thắng kiện. Ông Viên đúc kết: “Ngoài việc phải thực thi đúng những nguyên tắc về SHTT theo luật pháp quốc tế, cần chú ý đến những cá nhân đang làm việc cho doanh nghiệp. Nhiều bí quyết công nghệ bị đánh cắp từ chính những con người đang làm việc trong doanh nghiệp”.
Làm thế nào tự cứu?
Trao đổi riêng với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, bộ trưởng bộ Khoa học và công nghệ, TS Nguyễn Quân thừa nhận, vai trò hoạt động của các cơ quan thực thi quá yếu trong việc bảo vệ những giá trị SHTT như: bản quyền, sáng chế… của các doanh nghiệp. Viện phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, cho rằng toà án chưa phát huy vai trò của mình trong việc thực thi quyền SHTT. Bằng chứng cho nhận định trên, logo của công ty Đại Việt (Vinagas) đã bị nhái tại thị trường Hà Nội. Dù Đại Việt đã gởi hồ sơ đến toà kinh tế Hà Nội nhưng nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết xong.
Ông Nguyễn Văn Bảy, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và đào tạo (bộ Khoa học và công nghệ) lại cho rằng, việc toà án chưa tham gia tích cực vào vấn đề tranh chấp những giá trị thuộc SHTT là do tâm lý ngại “hầu toà” của các doanh nghiệp nguyên đơn. Đại diện cho sở Khoa học và công nghệ TP.HCM, phó phòng SHTT Hoàng Tố Như cho biết, nhân lực thanh tra SHTT của sở chỉ có bảy người nên không thể đảm nhận hết vai trò bảo vệ quyền SHTT cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên địa bàn. “Trước hết, doanh nghiệp phải tự cứu mình!”, bà Như chia sẻ.
Minh Phúc
Nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài dù phải đối diện vô số hàng giả, người ta vẫn sống được. Vì sao? Đừng nghĩ xác lập quyền sở hữu trí tuệ là đủ, phải làm thương hiệu. Làm sao để người dùng nhận biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, hàng thật có nổi trội gì, mua hàng ở đâu thì đảm bảo hàng thật. Nếu người dùng quen với việc doanh nghiệp không bao giờ khuyến mãi quá 40%, thì khi thị trường có hàng giá rẻ hơn 50%, họ sẽ nghĩ ngay là hàng giả. Còn những người cố ý tìm hàng giả để mua cho rẻ, khi thu nhập của họ đủ để mua hàng thật, họ sẽ tìm đến hàng thật.
Hoàng Trọng (chủ tịch công ty the Pathfinder)

Theo SGTT

Bình luận (0)