Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Hàng giả ngày càng tinh vi

Tạp Chí Giáo Dục

Trong năm 2013, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hàng chục ngàn sản phẩm hàng giả, hàng lậu và tình hình này đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Vấn đề này đã được nêu ra tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý thị trường ngày 28-2.

Diễn biến phức tạp, táo bạo

Phó Chi cục Quản lý thị trường TPHCM Nguyễn Văn Bách cho biết, tình hình vận chuyển, chứa trữ, buôn bán hàng lậu, hàng cấm; sản xuất và buôn bán hàng giả có chiều hướng gia tăng, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng thuốc lá điếu. Đáng chú ý, thuốc lá điếu nhập lậu được các đối tượng vận chuyển công khai, táo bạo theo quốc lộ 22 và các tỉnh lộ từ Long An, Tây Ninh về TPHCM. Các đối tượng này thường xuyên theo dõi mọi hoạt động của lực lượng kiểm tra, tại cả trụ sở làm việc lẫn trên đường để việc vận chuyển được trót lọt. Trong trường hợp bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng sẵn sàng chống trả hoặc bỏ lại hàng, phương tiện để tẩu thoát. Trong năm 2013, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TPHCM phát hiện, kiểm tra 524 vụ vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, tịch thu trên 333.000 bao, tăng gấp đôi so với năm 2012.

Micro giả do Quản lý thị trường TPHCM phát hiện. Ảnh: Phạm Cao Minh

Bên cạnh đó, số lượng hàng lậu do lực lượng QLTT phát hiện, tịch thu chủ yếu là hàng tiêu dùng có xuất xứ từ Trung Quốc, được vận chuyển bằng đường bộ từ các tỉnh miền Bắc vào, chủ yếu các mặt hàng như rượu bia, nước ngọt, sữa nước, kẹo, bánh ngọt, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, dược phẩm, hóa chất…

Năm qua, lực lượng QLTT kiểm tra gần 700 vụ với trên 762.000 đơn vị sản phẩm, trong đó có trên 140.000kg đường Thái, 8.450kg bột ngọt Trung Quốc nhập lậu; trên 2.000 chai rượu các loại, gần 20.000 chai bia ngoại, 22.432 chai sữa nước Ensure, Pediasure. Ngoài ra, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều quần áo thương hiệu Việt Tiến, giày Adidas, túi xách Gucci, giày Nike, bình gas các hiệu Saigon Petro, Petro Vietnam, TTA Gas… đều bị các đối tượng làm giả với quy mô lớn và các thủ đoạn rất tinh vi. Chưa kể, tình hình kinh doanh nón bảo hiểm nhập lậu, sản xuất kinh doanh nón bảo hiểm giả, kém chất lượng cũng diễn biến rất phức tạp.

Qua công tác kiểm tra, năm 2013 lực lượng chức năng tịch thu gần 27.000 chiếc nón bảo hiểm không có chứng từ, không chứng nhận và dấu hợp quy, giả mạo nhãn hiệu, chất lượng, gắn dấu hợp quy giả. Đối với công tác kiểm tra kinh doanh gas, năm qua đơn vị kiểm tra 84 vụ, trong đó có 15 vụ vận chuyển trên 3.700 bình gas và vỏ bình gas mini đã qua sử dụng không được phép nạp lại; 7 vụ kinh doanh gần 1.000 bình gas 12kg giả các nhãn hiệu…

Xử lý tận gốc

Đội trưởng Đội QLTT 12B Nguyễn Ngọc Khánh Hùng cho biết, gần đây còn xuất hiện thủ đoạn các thương nhân nước ngoài tổ chức hoạt động thương mại trái phép tại Việt Nam thường thuê, mướn người trong nước đứng ra thành lập doanh nghiệp để phạm tội. Bởi thực chất về vốn, phương tiện, hàng hóa đều là của thương nhân nước ngoài bỏ ra và trực tiếp điều hành mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu lợi nhuận. Người Việt Nam chỉ đứng tên pháp nhân doanh nghiệp và làm thuê, ăn lương tháng. Mặt khác, thương nhân nước ngoài thuê nhà xưởng, kho bãi của các doanh nghiệp Việt Nam và núp bóng doanh nghiệp cho thuê để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh; lợi dụng danh nghĩa của các văn phòng đại diện, chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài không được phép kinh doanh tại Việt Nam để tổ chức sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận và trốn thuế. Hầu hết những doanh nghiệp này tiêu thụ trái phép tại Việt Nam hàng hóa, nguyên liệu tạm nhập khẩu để gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài. Để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng, các đối tượng này thường tự lập các chứng từ như phiếu xuất kho, hợp đồng gia công, tờ khai xuất khẩu chưa đăng ký hải quan… để xuất trình khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, qua báo cáo công tác QLTT với số lượng hàng gian, hàng giả bị xử phạt, tịch thu ngày càng nhiều cho thấy công tác QLTT đang phát huy hiệu quả, số tiền xử phạt lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, việc xử phạt hàng gian, hàng giả không giảm là do mặt trái của thị trường, đặc biệt TPHCM là trung tâm kinh tế, giao thương lớn nên các đối tượng thường nhắm đến để thực hiện các hành vi mua bán gian lận. Do vậy, năm 2014, lực lượng QLTT cần nâng cao năng lực, chuyên môn sâu và nắm chắc pháp lý, hiểu rõ đối tượng trong quá trình xử lý, thực thi nhiệm vụ để đạt hiệu quả cao hơn. Lực lượng QLTT cần phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý tận gốc các đối tượng phạm tội nhằm bảo vệ doanh nghiệp chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.

LẠC PHONG (SGGP)

Bình luận (0)