Thực trạng xe đạp điện hoàn toàn có thể tái diễn giống như xe máy Trung Quốc nhiều năm về trước. Chúng ta phải có bộ tiêu chuẩn cho loại xe này để đưa vào quản lý, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội khuyến cáo.
Doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể sản xuất những chiếc xe đạp điện như thế này. Ảnh minh họa |
Đối với xe đạp điện, xe máy không nên đặt vấn đề cấm mà tìm cách quản lý sao cho chặt chẽ, tránh tình trạng “cơn lốc xe máy Trung Quốc”chất lượng kém tràn sang nước ta gây ùn tắc, mất ATGT như nhiều năm trước. Đó là những ý kiến của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội khi trao đổi với phóng viên.
Xe đạp điện, xe máy điện đang gây “loạn” đường phố nên nhiều ý kiến cho rằng nên cấm, hạn chế lưu thông, ông nghĩ sao?
Không thể lấy tư duy cái gì không quản được thì cấm. Đặt vấn đề, nếu cấm sử dụng xe đạp điện, xe máy điện thì học sinh lại đi xe máy đến trường, còn nguy hiểm hơn. Theo tôi, chúng ta nên tập trung vào quản lý người sử dụng, trong nhà trường cần giáo dục ý thức cho các cháu chấp hành luật giao thông. Bản thân phụ huynh phải nhắc nhở ý thức con em mình, không thể “buông” cho xã hội.
Phần lớn xe đạp điện, xe máy điện trên thị trường hiện nay là nhập khẩu, nhưng lại không được quản lý về chất lượng hay quy định?
Theo quy định đã là xe đạp điện thì vận tốc tối đa không được quá 25km/h. Xe đạp điện được xếp vào nhóm xe thô sơ như xe đạp. Nhưng, bấy lâu nay chúng ta không quan tâm quản lý vấn đề này, chỉ đến khi, lượng xe đạp điện phát triển ồ ạt mới giật mình. Bản thân Bộ GTVT chịu trách nhiệm về vấn đề này nhưng cũng rất chậm, luôn đi sau, nhiều khi còn có những quy định không phù hợp thực tế.
Nhiều người lo ngại, nếu không quản lý chặt thì xe đạp điện, xe máy điện dễ giống như “cơn lốc xe máy Trung Quốc” tràn ngập thị trường Việt Nam nhiều năm trước?
Thực trạng này hoàn toàn có thể tái diễn, giống như xe máy Trung Quốc nhiều năm về trước. Bởi vậy, chúng ta phải có bộ tiêu chuẩn cho loại xe này để đưa vào quản lý.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước để họ có thể đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng về chất lượng cũng như mẫu mã. Sản xuất loại xe này cũng khá đơn giản, không cầu kỳ, phức tạp như các loại phương tiện khác, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể làm được. Nếu không, kịch bản “xe máy Trung Quốc” sớm muộn sẽ lặp lại.
Bộ GTVT cũng vừa mới ban hành quy chuẩn về loại xe này, nhưng lượng xe hiện đang tồn tại trên thị trường sẽ xử lý ra sao?
Việc ban hành quy chuẩn để quản lý loại phương tiện này là hoàn toàn đúng, dù chậm nhưng không thể buông như thời gian qua.
Ở đây, đặt ra hai vấn đề: Trước hết, với lượng xe đang lưu thông trên thị trường thì xem như “cho qua”, vì bản thân quy chuẩn của Bộ GTVT ban hành sau. Còn, khi đã có quy chuẩn thì phải thực hiện nghiêm. Các Bộ ngành như Công Thương, Hải quan phải vào cuộc. Xe sản xuất hoặc nhập khẩu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn buộc tái xuất hoặc xử lý, không để tự do nhập khẩu như thời gian vừa qua mà không có kiểm soát.
Theo An ninh thủ đô
Bình luận (0)