Lãi suất thị trường vốn tín dụng đã tăng lên mức 19 – 20%/năm, song nhiều ngân hàng cũng không có nguồn để cho doanh nghiệp vay.
Không chỉ chi phí vốn, nguyên vật liệu đầu vào cũng đồng loạt đua tăng, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng: giá thành tăng, sức mua thấp, tồn kho lớn vào đúng thời điểm mùa làm ăn cuối năm bước vào chính vụ.
Chật vật chạy vốn
Phó tổng giám đốc công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà Đàm Quang Hùng cho biết, ngay từ đầu năm 2010, doanh nghiệp đã lên kế hoạch tín dụng tổng thể cho cả năm hoạt động vào khoảng 500 tỉ đồng và đã được các tổ chức tín dụng cam kết đáp ứng. Tuy nhiên, gần hai tháng qua, một số ngân hàng từ chối giải ngân với lời hẹn đầu năm sau, bởi lý do hạn mức tín dụng đã tới ngưỡng giới hạn của ngân hàng Nhà nước (NHNN). “Cũng may là một vài ngân hàng thân thiết vẫn dành một khoản nhất định cho chúng tôi, song mức lãi suất đã tăng đáng kể”, ông Hùng bộc bạch.
Nếu các ngân hàng còn đua tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay vượt 20%/năm, mọi chi phí xã hội sẽ tăng lên. Ảnh minh hoạ. Ảnh: TL SGTT
“Vốn vay eo hẹp, giá vốn cao, song nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay, bởi nếu không sẽ phải ngừng sản xuất, mà ngừng sản xuất, nghĩa là chết”, chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường nói. Theo ông, mặt bằng lãi suất vay vốn lưu động phổ biến đối với các doanh nghiệp ngành thép vào khoảng 19%/năm, trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào đua tăng (phôi, thép phế tăng lần lượt 15 và 30 USD/tấn), cộng với áp lực tỷ giá (hiện tăng khoảng 8% so với tháng 10) đã khiến chi phí sản xuất thép tăng 10 – 15% trong vòng hơn một tháng qua. Giá thép trong nước hiện mới tăng 300.000 đồng/tấn – thấp hơn nhiều mức tăng chi phí đầu vào, song cũng khiến mãi lực ngành thép chỉ quanh quẩn mức 450.000 tấn/tháng dù đang vào mùa xây dựng.
Ông Cường nhận xét: “Người mua do dự, người bán không hào hứng vì càng bán càng lỗ. Cả ngành thép đang chật vật vì lo chạy vốn, vì hàng tồn kho”.
Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khối nhỏ và vừa. Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm xác nhận, vốn tín dụng mới đáp ứng chưa đầy 50% nhu cầu các doanh nghiệp trong khối này. Cùng với đó là hàng loạt khó khăn cộng dồn, như chi phí đầu vào tăng, sức mua giảm, tồn kho tới 50 – 60% đã đẩy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vào tình cảnh khốn đốn.
“Nếu các ngân hàng còn đua tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay vượt 20%/năm, mọi chi phí xã hội sẽ tăng lên, doanh nghiệp làm gì cho lại. Tôi có tiền cũng sẽ gửi vào ngân hàng, việc gì phải sản xuất”. |
Theo nhận xét của ông Kiêm, năm 2010 này, khó khăn dồn vào cộng đồng doanh nghiệp còn nặng nề hơn hai năm trước, bởi lẽ thời điểm đó họ còn được miễn giảm thuế, cho vay lãi suất ưu đãi, kích cầu tiêu dùng… “Nay các chính sách hỗ trợ đã hết, khả năng cầm cự của nhiều doanh nghiệp rất mong manh”, ông Kiêm lo lắng.
Doanh nghiệp làm gì cho lại?
Chia sẻ khó khăn này của các doanh nghiệp, phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Cao Thị Thuý Nga phân tích, do tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng hiện đã gần chạm trần cả năm là 25%, nên chính sách của các ngân hàng là phân bổ cho từng chi nhánh chứ không phải tăng tín dụng bằng mọi cách. Tuy nhiên, MB vẫn chủ trương không đóng cửa tín dụng, đảm bảo các cam kết đối với khách hàng.
“Chúng tôi dành khoảng 1.000 tỉ đồng để đáp ứng nhu cầu vốn trong dịp cuối năm cho các doanh nghiệp”, bà Nga cho biết.
Tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương ghi nhận, tại cuộc họp với các thành viên mới đây (26.11 và 1.12), lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều bày tỏ nỗ lực cung ứng vốn cho doanh nghiêp trong mùa kinh doanh cuối năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh tâm lý người gửi tiền vẫn do dự, chờ đợi những mức lãi suất huy động cao hơn. Do vậy, các thành viên hiệp hội Ngân hàng vẫn tiếp tục thoả thuận giữ mặt bằng lãi suất huy động ở mức 12%/năm. Các chính sách thưởng, khuyến mãi do các ngân hàng quyết định, song được khuyến nghị không vượt quá quy định của pháp luật.
“Nếu các ngân hàng còn đua tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay vượt 20%/năm, mọi chi phí xã hội sẽ tăng lên, doanh nghiệp làm gì cho lại. Tôi có tiền cũng sẽ gửi vào ngân hàng, việc gì phải sản xuất”, bà Hương nói.
Thảo Nguyễn / SGTT
Bình luận (0)