Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bình Dương: Hàng gian, hàng giả thách đố người tiêu dùng

Tạp Chí Giáo Dục

Cả chục vụ gas do quản lý thị trường bắt được trong năm qua, trong đó có nhiều vụ gas “lậu” nhái nhãn hiệu, giả gas nổi tiếng trên thị trường để trục lợi người tiêu dùng. Thế nhưng, các vụ này chưa thể xử lý dứt điểm chỉ vì thiếu nhà chuyên môn thẩm định “gas thật, gas giả”.

Thông điệp trên được các nhà chuyên môn đưa lên tại hội thảo về tăng cường nhận diện hàng gian, hàng giả vừa tổ chức tại Bình Dương.
Người tiêu dùng đang bị thách đố về hàng gian, hàng giả do thiếu hiểu biết sản phẩm. Ảnh: Trung Thành
Bó tay “thật – giả”
Tại hội thảo về nhận diện hàng gian, hàng giả, tổ chức cuối tháng 12.2010 tại Bình Dương đại diện cảnh sát kinh tế – Công an Bình Dương cho biết, nhiều vụ gian lận thương mại như gas giả, rượu giả… phát hiện trong năm 2010 đến nay vẫn chưa thể khởi tố vụ án nào. Lý do, một số thiếu địa chỉ nên không tìm ra chủ cơ sở sản xuất. Một số vụ thiếu các nhà chuyên môn thẩm định. Trong khi mời các doanh nghiệp liên quan đến các sản phẩm nghi vấn nhái, giả nhãn hiệu, nhưng họ không cử người đến xác minh làm rõ nên khó xử lý.
Một cán bộ QLTT cung cấp cho chúng tôi hai chai rượu “Blue Lable”, trong đó có một chai giả. Qua nhận diện của nhiều người tại hiện trường, trong đó có nhà chuyên môn, nhưng ai cũng lắc đầu không thể nhận diện được chai nào là giả. Lo ngại hiện nay, các mặt hàng nhái, giả rất tinh vi, bởi họ sử dụng công nghệ in ấn, đóng nắp chai rất giống nhau, nên khó phát hiện bằng mắt thường – một cán bộ QLTT cho biết. Sau khi bung hai chai rượu ra ngửi mùi, nếm thử thì cơ may biết được giả ngay, nhưng đó là người sành uống rượu. Theo ông Vũ Duy Duy – phụ trách bảo vệ thương hiệu – Cty TNHH Diageo Đông Dương tại Việt Nam cung cấp bảng hướng dẫn nhận diện rượu thật, rượu giả thì có hai việc người sản xuất rượu giả hay sử dụng là nắp chai rượu thật sử dụng lại, hay nắp chai mới hoàn toàn. Khi mua phải kiểm tra vết trầy xước trên nắp chai, vết cạy ở phía dưới cổ chai…, đó là nắp thật sử dụng lại. Còn nắp mới giả hoàn toàn thường có in chữ bị chìm, độ sáng không có, nắp chai tối, không độ bóng… 
Theo ông Nguyễn Thành Bình – Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng: “Làm sao nhận diện hàng gian, hàng giả, câu hỏi quá khó và dường như thách đố người tiêu dùng. Bởi phần đông người tiêu dùng chưa thể hoặc quá thiếu thông tin để nhận diện thật – giả hàng hóa hiện nay”.
Một năm bắt cả ngàn vụ…
Theo ông Nguyễn Thành Danh – Phó Chi cục QLTT tỉnh: “Nhằm phát hiện xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm, năm 2010, lực lượng QLTT tỉnh đã cùng các cơ quan liên ngành kiểm tra hơn 1.970 trường hợp, phát hiện 987 vụ kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, vi phạm về giá, đo lường chất lượng…; đã xử lý hơn 1.021 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt gần 2 tỉ đồng. Những biện pháp kiểm tra thường xuyên, xử lý kiên quyết đã từng bước làm cho tình trạng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, kém chất lượng giảm đáng kể”.
Ông Nguyễn Văn Bán – Chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh – cho rằng: “Tình hình vi phạm trong lĩnh vực thương mại diễn ra ngày càng phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng QLTT tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Tân Mão năm nay”.
Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong năm qua đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp có hiệu quả của các ngành thành viên, nhưng trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến khó khăn và thách thức, đặt ra cho lực lượng quản lý thị trường những yêu cầu, xử lý quyết liệt hơn.
Trung Thành / Lao Động

Bình luận (0)