Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nông dân Lai Vung loay hoay bỏ lúa, trồng màu

Tạp Chí Giáo Dục

Cây quýt đường mới được nhà vườn Lai Vung (Đồng Tháp) đưa về vùng này trồng thử trong vòng ba năm nay. Nhưng theo thống kê gần đây của UBND huyện, diện tích trồng quýt đường hiện đã ở mức khoảng 750ha, trong khi năm ngoái diện tích trồng quýt đường chỉ khoảng 250ha.

Nhà vườn Huỳnh Hồng Kim Định (Út Định) ở ấp Tân Lợi, xã Tân Thành cho biết, nông dân chọn trồng quýt đường nhờ quýt đường có ưu thế hơn quýt hồng như: yêu cầu chăm sóc không cao, cho trái quanh năm, giá bán dịp tết cũng cao hơn quýt hồng từ 10 – 20%. Hơn nữa, mấy năm nay, nhiều vườn quýt hồng có hiện tượng chết cây rải rác không rõ nguyên nhân và ngay sau đó, nhà vườn đã cho trồng thay bằng cây quýt đường.

Người nông dân Lai Vung đã chuyển qua trồng cây ăn trái, thay vì trồng lúa. Ảnh: N.Tùng

Theo thống kê của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lai Vung, diện tích trồng quýt hồng trong huyện khoảng 1.176ha, tuy nhiên, trên thực tế, diện tích quýt hồng đã giảm đáng kể khi phong trào trồng quýt đường phát triển mạnh, bởi theo ông Huỳnh Văn Tồn, phó phòng này, quýt đường ngoài trồng chuyên canh, còn được trồng xen với quýt hồng.

Bà Trương Thị Nên, phó chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết huyện có hai cây chủ lực là lúa và cây quýt. Với diện tích đất lúa hiện khoảng 13.000ha, sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 170.000 – 200.000 tấn, trị giá khoảng 1.000 tỉ đồng, bình quân đạt gần 77 triệu đồng/ha. Trong khi đó, 1.176ha quýt hồng trong huyện hàng năm đạt giá trị khoảng 700 – 800 tỉ đồng, tương đương nhà vườn đạt mức thu nhập bình quân hơn 630 triệu đồng/ha, gấp hơn tám lần so với trồng lúa.

Theo bà Nên, theo quy hoạch, huyện Lai Vung phải giữ quy mô 13.500ha diện tích đất trồng lúa và hiện huyện này chỉ còn khoảng 13.000ha lúa, nên huyện đã phải chọn giải pháp phân kỳ đầu tư công nghiệp để bổ sung khoảng 500ha đất lúa còn thiếu theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, theo phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lai Vung, huyện hiện có khoảng 2.500ha rau màu luân canh trên đất lúa. Kết quả canh tác cho thấy, mức thu nhập đối với từng loại cây trồng như: nấm rơm: hơn 200 triệu đồng/ha/vụ; dưa lê: hơn 150 triệu đồng/ha/vụ; cây mè: 40 – 50 triệu đồng/ha/vụ… trong khi bình quân trồng lúa chỉ đạt 30 – 40 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy, với mức chênh lệch về hiệu quả canh tác, đề án xây dựng vùng chuyên canh rau màu đã được triển khai tại xã Phong Hoà hồi tháng 3 vừa qua với quy mô diện tích hơn 200ha. Tuy nhiên, theo mô tả của đề án, vùng chuyên canh rau màu này phải được đầu tư thêm về hạ tầng thuỷ lợi, tập huấn kỹ thuật… với tổng kinh phí ước tính khoảng 4 – 5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Trần Anh Phong, phó chủ tịch UBND xã Phong Hoà, cho biết giá cả của hầu hết sản phẩm rau màu đều phụ thuộc vào sự thoả thuận giữa thương lái và từng nông dân, nên thường rất bấp bênh, người trồng khó kiểm soát được giá thực tế trên thị trường. Để giải quyết vướng mắc này, theo ông Tồn, cần xây dựng chính sách và thiết lập mô hình hợp tác xã chuyên sản xuất và kinh doanh rau màu tại vùng này, qua đó, nông dân có thể liên kết nhau từ xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm bảo vệ lợi ích chung của các xã viên.

Theo Ngọc Tùng

SGTT.VN 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)