Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Y tế đã phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” nhằm thay đổi thói quen, xây dựng văn hóa dùng thuốc của người Việt Nam. Riêng tại TPHCM, kể từ khi thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu, Sở Y tế cũng gắn với việc triển khai chương trình “Thuốc Việt cho người Việt”.

Sản xuất thuốc phục vụ bình ổn thị trường tại TPHCM. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Hỗ trợ ngành dược phát triển bền vững

Cuộc vận động này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy việc tăng cường sản xuất các loại thuốc có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh trong cả nước. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế coi cuộc vận động này là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ cho ngành dược Việt Nam phát triển bền vững, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân một cách ổn định và không lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Đây cũng là cơ hội chấn chỉnh lại công tác cung ứng thuốc, kê đơn thuốc trong các bệnh viện.

Trong những năm qua, ngành dược đã có những cố gắng lớn, sản xuất trong nước đã đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân. Các nhà máy dược phẩm đã được đầu tư dây chuyền hiện đại, sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, vaccine – sinh phẩm và những dạng bào chế công nghệ cao. Theo đó, chất lượng thuốc trong nước ngày càng nâng cao nhưng giá bán rẻ hơn hẳn so với thuốc ngoại nhập cùng loại. Theo số liệu từ Viện Kiểm nghiệm thuốc của Bộ Y tế tại TPHCM, trung bình mỗi năm viện kiểm nghiệm trên 2.000 mẫu thuốc cả nội lẫn ngoại, trong đó có một nửa lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị trường thì chất lượng thuốc nội, ngoại là ngang nhau. Thống kê của ngành y tế cho thấy, thuốc chiếm tới 60% tổng chi phí cho một ca điều trị. Chính vì vậy, khi tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước cung ứng tốt hơn và các bác sĩ kê đơn sử dụng thuốc nội nhiều hơn chắc chắn tổng chi phí điều trị sẽ giảm mạnh. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong điều kiện nước ta còn nghèo, thu nhập người dân còn thấp.

Vấn đề đặt ra là vì sao các DN Việt Nam đã và đang đổi mới công nghệ kỹ thuật hiện đại, sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt tương đương thuốc ngoại, giá cả hợp lý nhưng tỷ lệ thuốc trong nước được sử dụng tại các cơ sở điều trị lại rất thấp. Phải chăng tâm lý “sính” thuốc ngoại đã “bám rễ” vào tư tưởng của nhiều người dân? Với dân số gần 90 triệu dân, ngành dược phẩm trong nước đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển. Nếu không có những phân tích thấu đáo những thuận lợi, khó khăn để tìm giải pháp phù hợp thì các DN trong nước sẽ mất lợi thế cạnh tranh, ngày càng giảm thị phần ngay trên sân nhà.

Thầy thuốc đóng vai trò quan trọng

Theo chủ nhà thuốc số 19, quận Bình Thạnh, hiện nhà thuốc đang bày bán hàng trăm mặt hàng thuốc khác nhau, trong đó có khá đầy đủ nhóm các mặt hàng trong chương trình bình ổn giá. Ngoại trừ việc bán các loại thuốc cho khách hàng theo kê toa của bác sĩ, số khách hàng đến nhà thuốc để khai bệnh thì chúng tôi đều ưu tiên cho sử dụng thuốc nội. Như vậy, với các bệnh thông thường như viêm họng, viêm hô hấp, cảm, cúm… thì mỗi ngày dùng thuốc, người bệnh chỉ tốn từ 6.000-8.000 đồng/2 lần uống, trong đó có kèm cả vitamin để bồi bổ thêm sức khỏe cho người dùng. Ngay cả những người đang điều trị bệnh mãn tính, nếu thuốc nội đáp ứng tốt, nhà thuốc cũng khuyên họ nên dùng thuốc nội thay cho thuốc ngoại nhằm tiết giảm chi phí. Theo nhận định của chủ nhà thuốc số 19: “Chất lượng thuốc nội không thua kém thuốc ngoại nhưng giá bán thấp hơn rất nhiều”.

Chính vì thế, nhà thuốc lúc nào cũng đông khách, từ người già cho đến con nít đều phải xếp hàng khá nghiêm túc. Họ đến đây không chỉ vì người bán thuốc “mát tay” mà chi phí cho mỗi lần mua thuốc là rất thấp. Theo đó, tên tuổi và giá bán các loại thuốc cũng được ghi công khai trong đơn thuốc. Nói về chương trình “Thuốc Việt cho người Việt”, chủ nhà thuốc 19 thẳng thắn: “Theo kinh nghiệm của tôi, phần lớn người bệnh không đòi hỏi họ mua thuốc nội hay thuốc ngoại mà chính bác sĩ mới là người quyết định tất cả. Nếu mỗi thầy thuốc đều ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình, chắc chắn các DN sản xuất thuốc trong nước sẽ có điều kiện để phát triển, người bệnh cũng sẽ tiết kiệm được khá nhiều sau mỗi lần điều trị”.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngay sau khi TPHCM thực hiện chương trình bình ổn giá các loại thuốc tây sản xuất trong nước, đồng thời hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, ban giám đốc đã triển khai rất chi tiết, cụ thể đến từng phòng khám, từng bác sĩ của bệnh viện. Tại mỗi phòng khám có thêm một thư ký y khoa để hỗ trợ thêm cho bác sĩ trong việc thực hiện chuyên môn. Theo đó, kết thúc một ngày làm việc, phòng hành chính tổng hợp có nhiệm vụ thống kê lại số lượng các đơn thuốc, các bệnh nhân để thực hiện việc bình toa thuốc vào đầu giờ sáng hôm sau. Tiêu chí của việc bình toa thuốc là nhằm đánh giá lại việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân có hợp lý cả về giá bán lẫn chất lượng thuốc điều trị cho bệnh nhân hay không. Cách làm này cũng sẽ giúp ban giám đốc nắm bắt được tiến độ triển khai việc đưa thuốc bình ổn vào các toa thuốc. Trong trường hợp những loại thuốc sản xuất trong nước giá rẻ, chất lượng tốt mà không đưa vào toa thay thế dần thuốc ngoại thì bác sĩ đó sẽ bị xử lý. Cho đến thời điểm này việc triển khai đang gặp nhiều thuận lợi. Số lượng toa thuốc có sử dụng thuốc bình ổn cũng đang có những tiến triển rất tốt.

Cùng với sự nỗ lực của các thầy thuốc, các bệnh viện, nhiều ý kiến cho rằng, tự thân các DN cũng tăng cường đầu tư, nghiên cứu áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, các DN mở rộng phát triển mạng lưới phân phối; chủ động tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm quảng bá sản phẩm thuốc của mình; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về chất lượng, giá thành sản phẩm và thông tin tư vấn hỗ trợ đến người tiêu dùng. Theo đó, các ban ngành, các địa phương cùng các cơ quan thông tấn báo chí, hiệp hội ngành hàng y dược cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để toàn thể thầy thuốc, nhân dân và cộng đồng DN hưởng ứng cuộc vận động, vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo an ninh y tế và an sinh xã hội.

ĐOÀN NGUYỄN (SGGP)

Bình luận (0)