Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bộ Công thương cân nhắc việc tăng giá điện

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 1-7, Bộ Công thương đã họp giao ban 6 tháng đầu năm 2013 về tình hình sản xuất và hoạt động thương mại. Số liệu của Bộ Công thương đưa ra cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2013 tăng 5,2% dù có sự chuyển biến tăng dần qua các tháng nhưng mức tăng chậm.

Về xuất nhập khẩu, trong 6 tháng đầu năm mặc dù xuất khẩu tăng trưởng 16,1%, tuy nhiên một số mặt hàng có thế mạnh như nông sản đã giảm sút, giảm cả khối lượng và giá. So với cùng kỳ năm 2012, trong 8 mặt hàng nông sản thì có đến 6 mặt hàng giảm lượng xuất khẩu, chỉ có 2 mặt hàng là nhân điều và hạt tiêu có lượng xuất khẩu tăng tương ứng tăng 15% và 23%.

Tính chung, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 62 tỷ USD, bằng 49% kế hoạch năm. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 63,4 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Với mức chênh lệch đó, nhập siêu trong 6 tháng đầu năm là 1,4 tỷ USD.

Thi công bảo trì sửa chữa lưới điện tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Chiều cùng ngày, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo phiên thường kỳ tháng 6, giải đáp một số vấn đề báo chí quan tâm. Trả lời câu hỏi liên quan tới đề xuất tăng giá điện 10% – 15% mà Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa đưa ra, ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, giá điện chỉ được điều chỉnh trong 2 trường hợp: thứ nhất là khi thông số đầu vào cơ bản ảnh hưởng đến giá thành, giá nguyên liệu, tỷ giá; thứ hai là khi có biến động bất thường… Vừa qua, Tập đoàn Điện lực EVN đã hoàn thành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012, hiện Bộ Công thương đang rà soát, sau khi có kết quả sẽ có đề xuất về điều chỉnh giá điện.

Tuy nhiên, ông Phúc khẳng định: “Giá điện nếu có điều chỉnh, phải căn cứ vào nhiều yếu tố như vào thời gian nào, điều chỉnh bao nhiêu… Bộ Công thương sẽ tính toán, cân nhắc kỹ để tránh ảnh hưởng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát và tình hình kinh tế – xã hội”. Về đề xuất tính giá điện riêng cho ngành sản xuất sắt thép, xi măng, ông Phúc cho biết đây mới là ý tưởng chứ chưa phải chính thức. Sở dĩ có đề xuất tính riêng là vì 2 ngành này chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu thụ điện thương phẩm của cả nước, năm 2012 chiếm tới 11,5%. “Việc quy định mức giá điện cao hơn với các ngành này là nhằm thúc đẩy quá trình cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng và tiết kiệm năng lượng” – ông Phúc nói.

Một vấn đề khác được báo chí quan tâm là dù giá xăng dầu thế giới đang giảm nhưng giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng lên tới 2 lần chỉ trong nửa tháng qua.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết nếu giá xăng dầu thế giới giảm, việc tăng giá xăng dầu trong nước 2 lần như vừa qua là bất hợp lý. Nhưng thực tế số liệu của Liên bộ Tài chính – Công thương cho thấy giá xăng dầu thế giới trong tháng 6 không giảm mà thực tế là có xu hướng tăng. Cụ thể, tính bình quân 30 ngày đến ngày 31-5, giá xăng Ron 92 trên thị trường thế giới ở mức 111,08 USD/thùng; đến ngày 13-6 tăng lên 112,9 USD/thùng; đến ngày 27-6 tăng lên 114,442 USD/thùng.

“Vì thế, việc tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước vừa qua là thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 84. Hơn nữa, liên bộ cũng cho phép các doanh nghiệp được sử dụng Quỹ bình ổn giá, nên mức tăng giá cũng thấp” – ông Chiến lý giải.

BẢO MINH (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)