Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Doanh nghiệp ngán… sàn

Tạp Chí Giáo Dục

Có một thời doanh nghiệp đua nhau niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhờ lên sàn, nhiều doanh nhân từng được xếp vào tốp những người giàu hàng đầu cả nước. Nhưng bây giờ không ít doanh nghiệp lại muốn… xuống sàn!

Đại gia “ê sàn”

Các nhà chuyên môn theo dõi thị trường chứng khoán. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Sau khi Tòa án Nhân dân quận 3 -TPHCM tuyên thua kiện và bồi thường cho khách hàng 258 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) đang loay hoay chưa biết thế nào, thì lại nhận “trát” từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM: phải giải trình! Bà Loan buộc miệng: “Quy định nào yêu cầu nhất cử nhất động phải báo cáo?”. Tuy nói thế, nhưng ngay sau đó chủ tịch HĐQT công ty này đã ký văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM – nơi QCG niêm yết – giải trình nguyên nhân dẫn đến vụ kiện, rồi khẳng định: “Công ty chúng tôi không đồng ý với bản án của Tòa án Nhân dân quận 3, đang nộp hồ sơ kháng cáo”.

Câu chuyện kiện tụng này là một trong những sự việc đã xảy ra đối với QCG, tất nhiên là hệ quả khi nền kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng. Bà chủ QCG từng than thở, sẽ “xuống sàn” vì áp lực quá, lần này cũng thế! Tuy mệt mỏi nhưng chắc chắn sàn chứng khoán là nơi lưu giữ kỷ niệm ngọt ngào có một không hai: năm 2010 bà đứng thứ 4 trong số những người giàu trên sàn chứng khoán.

Sở hữu nhiều công ty, trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2007, trải qua nhiều lận đận, không ít lần ông Đặng Thành Tâm “dọa” rút công ty thành viên khỏi sàn chứng khoán. Tháng 10-2010, ông Đặng Thành Tâm, với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (SQC), tuyên bố sẽ hủy niêm yết công ty này. Theo ông Tâm, một phần nguyên nhân do bản thân ông và doanh nghiệp “phải chịu nhiều sức ép do cổ phiếu SQC có lượng niêm yết lớn nhưng rất ít giao dịch kể từ khi lên sàn”. “Nhiều người nói SQC làm méo mó thị trường chứng khoán. Chịu áp lực nhiều quá nên chúng tôi xin rút” – ông Tâm nói. Sau đó, đại hội cổ đông cũng đã thông qua việc này và ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm rút niêm yết. Nói vậy nhưng không phải vậy, từ đó đến nay cổ phiếu SQC vẫn trụ vững trên sàn Hà Nội, vẫn là cổ phiếu rất “lạ”: nhiều phiên đứng giá, không có khối lượng giao dịch, nếu có cũng chỉ 100 cổ phiếu/phiên.

Tiếp đến tháng 4-2011, vị đại gia họ Đặng cũng lên tiếng sẽ hủy niêm yết Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT) với lý do: “Cổ phiếu SGT đã xuống thấp bất ngờ. Giá thị trường của cổ phiếu giờ còn thấp hơn cả một miếng đất cỏn con mà SGT sở hữu, tức thấp hơn giá trị thật nhiều lần”. Tuy vậy, cổ phiếu SGT vẫn tồn tại trên sàn chứng khoán TPHCM, phiên giao dịch đầu tuần 1-7, thị giá cổ phiếu này chỉ còn 1.900 đồng/cổ phiếu. SGT cũng bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đưa vào diện bị kiểm soát vì vi phạm công bố thông tin, sẽ bị hạn chế thời gian giao dịch. Câu chuyện rút sàn lại được xới lên một lần nữa, ngày 16-6-2013, đại hội đồng cổ đông SGT tán thành hủy niêm yết tự nguyện, ủy quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm phù hợp để rút khỏi sàn!

Làn sóng xuống sàn?

Việc xuống sàn không phải chưa xảy ra, một số doanh nghiệp đã hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán theo diện tự nguyện hoặc bắt buộc như VFC, TLT, MKP, V11. Mới đây Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo sẽ hủy niêm yết Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, bắt đầu từ ngày 4-7-2013 vì lỗ vượt quá số vốn điều lệ!

Mới đây, 2 doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản đã ra nghị quyết hủy niêm yết. Công ty cổ phần Thủy sản Gentraco (GFC) đang đối mặt với hàng loạt khó khăn: giá cổ phiếu tụt dốc không phanh, không thể huy động vốn qua sàn chứng khoán, đặc biệt đang đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do thanh khoản thấp, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát… Lạ nhất là Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), có vị thế khá lớn với vốn hóa thị trường hơn 1.800 tỷ đồng, năm qua vẫn “đút túi” hơn 90 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Công việc ăn nên làm ra, vậy mà mới đây tại đại hội đồng cổ đông thường niên gần như toàn bộ tán thành, ủy quyền cho HĐQT quyết định và thực hiện các thủ tục cần thiết để thực hiện việc rút niêm yết trong năm 2013 – 2014! Mặt khác, hủy niêm yết trong bối cảnh MPC cần vốn để phát triển, nhất là phát triển hai nhà máy ở Cà Mau và Hậu Giang, huy động bằng cách phát hành riêng lẻ thêm 30 triệu cổ phiếu, thông qua kênh này sẽ giảm áp lực về vay vốn cũng như chi phí lãi vay. Điều này dẫn tới mâu thuẫn, hủy niêm yết thì làm sao huy động vốn, lãnh đạo công ty trả lời, sẽ phát hành xong rồi mới hủy niêm yết. Có thể công ty này “ớn sàn” vì thị giá quá thấp so với giá trị thực; việc căng thẳng công bố thông tin, cuối năm 2012 MPC đã bị cảnh cáo trên toàn thị trường vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Phải chăng, việc hủy niêm yết hiện nay không những giúp MPC huy động vốn mà không bị “ràng buộc” bởi các quy định của Sở Giao dịch và Ủy ban Chứng khoán?

Một chuyên gia chứng khoán nhận định, ngoài việc rút khỏi sàn bắt buộc do thua lỗ, còn một nguyên nhân khác là thị giá chứng khoán hiện nay không phản ánh đúng thực tế giá trị doanh nghiệp. Cổ phiếu của rất nhiều doanh nghiệp có thị giá dưới mệnh giá, đặc biệt tại sàn Hà Nội, hàng loạt mã cổ phiếu giao dịch trên dưới 1.000 đồng/cổ phiếu!

Lương Thiện (SGGP)

Bình luận (0)