Ngoài rủi ro do chênh lệch quá cao với giá thế giới, người mua vàng hiện không thể lường được xu hướng thị trường, nhất là khi doanh nghiệp mua vào thấp hơn giá bán gần 1 triệu đồng/lượng
Đã gần 1 tuần sau ngày các ngân hàng (NH) thương mại tất toán trạng thái vàng (30-6) nhưng thị trường vẫn diễn biến phức tạp. Giá vàng trong nước chênh lệch rất lớn so với giá thế giới – hiện cao hơn khoảng 6,5 triệu đồng/lượng. Nhiều thời điểm, giá vàng đi ngược thị trường thế giới và khi lực mua tăng nhẹ là có dấu hiệu khan hàng…
Dù giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới 6,5 triệu đồng/lượng nhưng nhiều người vẫn mua.
Trong ảnh: Khách hàng mua vàng tại một cửa hàng vàng bạc ở TP HCM Ảnh: HỒNG THÚY
Liên tục đấu thầu, giá vẫn tăng
Ngày 5-7, NH Nhà nước tiếp tục bán ra thị trường 40.000 lượng vàng. Dù vậy, giá vàng SJC lúc mở cửa giao dịch vẫn ở mức 38,05 triệu đồng/lượng. Đến 10 giờ (thời điểm chưa có kết quả đấu thầu), giá vàng vọt lên 38,4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến buổi chiều, giá vàng đã giảm trở lại. Cuối ngày, tại TP HCM, giá vàng mua vào còn 37,57 triệu đồng/lượng, bán ra 38,17 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng so với ngày 4-7.
Những ngày trước, thị trường vàng cũng biến động hết sức bất ngờ. Đặc biệt, ngày 4-7, khi NH Nhà nước không đấu thầu vàng, giá thị trường liên tục biến động. Đầu ngày, giá từ 37,7 triệu đồng đã nhanh chóng leo lên gần 38,5 triệu đồng nhưng đến cuối ngày lại bất ngờ giảm xuống còn 38,1 triệu đồng/lượng.
Theo giới kinh doanh vàng, từ ngày 1-7 đến nay, trong số gần 120.000 lượng vàng mà NH Nhà nước đấu thầu, gần như các NH thương mại còn "kẹt" việc tất toán đã vét sạch để chờ tất toán trạng thái. Do đó, số vàng mà NH Nhà nước tung ra không được lưu thông ngay trên thị trường. Trong khi đó, sức mua của khách hàng cá nhân lại tăng lên. Từ đó, giá vàng luôn đứng ở mức cao.
Lãnh đạo một doanh nghiệp vàng ở Hà Nội cho hay trong 2 ngày qua, thị trường có dấu hiệu khan hàng, nhất là khi có nhiều nguồn tin NH Nhà nước có thể ngưng đấu thầu vàng bất cứ lúc nào. Vài NH chưa tất toán trạng thái đang cần mua thêm hàng trăm ngàn lượng vàng. Lập tức thị trường có dấu hiệu găm hàng, đẩy giá nhằm đón đầu sức mua từ các NH này.
Theo những người am hiểu thị trường vàng, hiện các đối tượng làm giá thường "neo" mức cao vào đầu ngày rồi nghe ngóng thông tin từ phiên đấu thầu để điều tiết giá tiếp theo. Chẳng hạn, trưa 5-7, khi 40.000 lượng vàng đấu thầu được vét sạch với mức giá 37,9 – 38,08 triệu đồng/lượng, lập tức giá trên thị trường xuống còn 38,3 triệu đồng/lượng, rồi tiếp tục giảm thêm hơn 100.000 đồng/lượng, xuống còn 38,17 triệu đồng/lượng (cuối ngày).
Vì thế, tại thời điểm này, người mua vàng không thể lường được xu hướng thị trường, có thể đối mặt nhiều rủi ro, nhất là khi giá mua vào thường thấp hơn bán ra từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng.
Không thể đấu thầu dài hơi
Tính từ ngày 28-3 (thời điểm bắt đầu đấu thầu vàng) đến nay, NH Nhà nước đã tổ chức 41 phiên đấu thầu và đã bán ra thị trường hơn 42 tấn vàng. Nếu tính giá bình quân 50 triệu USD/tấn thì NH Nhà nước phải tiêu tốn hơn 2 tỉ USD để nhập khẩu vàng. Điều này đã tác động nhất định đến thị trường ngoại tệ.
Biểu hiện rõ nhất là trong 5 tuần gần đây, NH Nhà nước không cung ứng ngoại tệ cho các NH thương mại. Giá USD bán ra tại các NH luôn ở mức trần – 21.246 đồng. Một số NH phải mua USD của NH bạn với giá gần chạm trần. Thị trường có nguy cơ tái diễn hiện tượng thu phí ngoại tệ vì nếu NH bán USD ra với giá trần vẫn có thể thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính – NH Trường Đại học Mở TP HCM, vào quý III và quý IV hằng năm, nhu cầu ngoại tệ thường tăng mạnh bởi đây là giai đoạn doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu hàng hóa chuẩn bị cho sản xuất, kinh doanh vào dịp cuối năm. Vì thế, NH Nhà nước không thể bán rồi nhập khẩu vàng một cách dài hơi, làm hao hụt dự trữ ngoại tệ, ảnh hưởng đến tỉ giá hối đoái, tác động không tốt đến kinh tế vĩ mô…
Để giải bài toán cung – cầu vàng, theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, trước mắt, NH Nhà nước có thể quay vòng ngoại tệ bằng cách bán vàng dự trữ – nhập khẩu vàng và dùng số tiền lãi đó để thu mua USD bù đắp cho số ngoại tệ đã hao hụt. Thế nhưng, về lâu dài, NH Nhà nước nên linh hoạt quyền nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp để giảm bớt áp lực xuất kho dự trữ ngoại tệ.
Đại diện một hãng kinh doanh vàng nước ngoài tại Việt Nam cho rằng giải pháp cốt lõi của việc can thiệp thị trường, tiệm cận giá vàng thế giới là NH Nhà nước phải sớm có hình thức giao dịch vàng phi vật chất. Bởi lẽ, nhu cầu đầu tư và nắm giữ vàng vật chất tại Việt Nam rất lớn. NH Nhà nước nhập khẩu bao nhiêu vàng thì thị trường cũng sẽ tiêu thụ hết.
Bán hết 40.000 lượng vàng
NH Nhà nước đã bán hết 40.000 lượng vàng trong phiên đấu thầu sáng 5-7 với giá 37,9 – 38,08 triệu đồng/lượng. Trúng thầu là 7 NH thương mại, trong khi các công ty kinh doanh vàng đều bị loại. Như vậy, trong 3 phiên đấu thầu đầu tháng 7-2013, NH Nhà nước đã bán ra 119.900 lượng vàng, người mua hầu hết là các NH thương mại.
Tính tổng cộng 40 phiên đấu thầu, đã có gần 1,077 triệu lượng vàng được đưa ra thị trường, xấp xỉ 41,42 tấn.
|
theo NLĐ
Bình luận (0)