Triển lãm Thủy sản Toàn cầu Brussels lần thứ 22 đã khai mạc ngày 6/5 tại Trung tâm triển lãm Brussels.
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Luxembourg và bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) Phạm Sanh Châu cùng Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ đã khai trương gian hàng Việt Nam.
Gian hàng VN tại Triển lãm thủy sản Brussels được rất nhiều khách quốc tế quan tâm. (Ảnh: Đỗ Hưng/Vietnam+)
Việt Nam tham gia triển lãm với sự góp mặt của 23 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Tổng cục thủy sản Việt Nam và Hiệp hội cá tra-basa Việt Nam.
Gian hàng Việt Nam có diện tích gần 260m2 được bố trí đẹp mắt nên thu hút được đông khách tham quan. Ba doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu cá da trơn là Vĩnh Hoàng, Hùng Vương và Nam Việt đã giới thiệu nhiều sản phẩm từ cá tra và basa. Đặc biệt tại hội chợ, các món ăn chế biến từ cá tra và basa được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Cùng ngày, trong khuôn khổ triển lãm, VASEP đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Cá da trơn Việt Nam hướng đến sự phát triển bền vững”.
Hiện nay, việc nuôi cá da trơn tại Việt Nam đều tuân thủ các nguyên tắc chặt chẽ của thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Cá da trơn là sản phẩm chính hiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và là loại cá bản địa chiếm hơn 95% tổng xuất khẩu cá da trơn trên thế giới với giá trị đạt 1,8 tỷ USD.
Trong hai năm gần đây, Việt Nam duy trì được chất lượng cá da trơn với việc phát triển bền vững đồng thời áp dụng tiêu chuẩn VietGap trong việc nuôi trồng. Nhiều trang trại nuôi cá da trơn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá da trơn Việt Nam đang được tiêu thụ rộng rãi tại châu Âu và là một trong mười sản phẩm thủy sản được yêu thích nhất tại Mỹ.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, cho biết EU là một trong ba thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam. Thị trường EU chiếm từ 20%- 25% các mặt hàng, đặc biệt là cá ngừ. Cá tra cũng là một mặt hàng được châu Âu ưa chuộng. Do đó để tăng gía trị gia tăng các mặt hàng xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm.
Thông điệp về chất lượng đối với người tiêu dùng là hết sức quan trọng. Để làm được điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cần phải chú trọng tới việc nâng cao công tác truyền thông và xây dựng thương hiệu. Với sự trợ giúp của EU, Việt Nam đã xây dựng chương trình “Thiết lập chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở Việt Nam” giai đoạn 2013-2017 nhằm đạt mục tiêu vào năm 2020, ngành công nghiệp cá da trơn sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, tăng cường xuất khẩu và an toàn cho người tiêu dùng. Trong thời gian diễn ra triển lãm, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thủy sản Việt Nam.
Triển lãm Thủy sản Toàn cầu Brussels là một trong những triển lãm thủy sản lớn nhất tại châu Âu được tổ chức thường niên thu hút hơn 25.600 khách hàng, người bán, người mua thủy sản từ khắp nơi trên thế giới. Triển lãm năm 2014 quy tụ gần 1.700 doanh nghiệp đến từ 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đây là dịp để các nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm của mình cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác, kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, triển lãm cũng giúp các nhà xuất nhập khẩu thủy sản gặp gỡ đối tác, đánh giá xu hướng thị trường hải sản và phát triển các sản phẩm mới trong lĩnh vực hải sản.
Các sản phẩm chính tại hội chợ năm nay là thủy sản và cá tươi sống các loại, thủy sản và cá đông lạnh các loại, các thiết bị bao bì đóng gói cho ngành công nghiệp thủy sản, các công cụ, thiết bị trong chế biến thủy sản, các thiết bị bảo quản và vận chuyển thủy sản, các dịch vụ khác trong ngành công nghiệp thủy sản./.
(TTXVN/Vietnam+)
Bình luận (0)