Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tận dụng ưu điểm để cạnh tranh và tồn tại

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Phạm Khánh Phong Lan

TBKTSG đã trao đổi với PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, về tình hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc GPP của các doanh nghiệp trong hơn một năm qua.

 Bà đánh giá như thế nào về sự ra đời của chuỗi nhà thuốc đạt chuẩn GPP của Bộ Y tế trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua?

–  Bà Phạm Khánh Phong Lan: Sự ra đời của các chuỗi nhà thuốc, chủ yếu tập trung trên địa bàn TPHCM, mở ra hướng chuyên nghiệp hóa trong phân phối bán lẻ dược phẩm với sự đầu tư có định hướng, đồng bộ của các doanh nghiệp về nhân sự, cơ sở vật chất, hệ thống quản lý chất lượng…

Đây cũng là xu thế tất yếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân về chất lượng phục vụ, hòa cùng sự phát triển của ngành dược trong các khâu sản xuất, bảo quản, kiểm định, xuất nhập khẩu…

Tính đến ngày 15-1-2009, trong số 131 nhà thuốc GPP của toàn thành phố, có 37 nhà thuốc do doanh nghiệp thành lập hoạt động, với một số chuỗi lớn như V-Phano (3 nhà thuốc), Y Đức (6), ECO (7), Sapharco (10), Vimedimex (4), IC Pharmacy (2). Chúng tôi đánh giá trong thời gian sắp tới các chuỗi nhà thuốc hiện nay sẽ tiếp tục phát triển về số lượng (ECO, Vimedimex, Sapharco…) cũng như các nhà thuốc doanh nghiệp khác như tập đoàn Mai Linh, nhà thuốc Việt, Dược Hậu Giang…

– Liệu đến cuối năm 2010 các nhà thuốc tại TPHCM nói riêng và trên cả nước nói chung có kịp nâng cấp đạt chuẩn GPP của Bộ Y tế?

– Hiện nay TPHCM có 3.816 cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm 3.356 nhà thuốc, hiệu thuốc và 460 đại lý thuốc. Theo lộ trình của Bộ Y tế, các nhà thuốc, hiệu thuốc sẽ phải đạt chuẩn GPP mới có thể tiếp tục hoạt động từ ngày 1-1-2011 (các đại lý thuốc hoạt động ở vùng sâu, vùng xa sẽ có lộ trình đến năm 2013).

131 nhà thuốc đạt chuẩn GPP hiện nay chiếm tỷ lệ 4% tổng số nhà thuốc, trong số này có 72 nhà thuốc bệnh viện – phòng khám là nơi chiếm thị phần đến 65-70%, như vậy có thể nói về mặt giá trị thị phần, thành phố đã đi được hơn nửa chặng đường.

Thời gian hai năm còn lại (2009-2010), thành phố sẽ tập trung phát triển, nâng cấp cho những nhà thuốc trong khu dân cư, đặc biệt khuyến khích mô hình chuỗi nhà thuốc, vì với quy mô kinh doanh lớn, một chuỗi nhà thuốc có thể thay thế cho nhiều nhà thuốc nhỏ lẻ.

Chúng tôi không đặt chỉ tiêu chuyển toàn bộ 3.356 nhà thuốc của thành phố thành những nhà thuốc theo chuẩn GPP, mà sẽ định hướng, sắp xếp để có đủ số nhà thuốc GPP phục vụ cho nhu cầu của người dân vào thời điểm 2011.

Sở dĩ các nhà thuốc cảm thấy khó khăn khi làm GPP là do bản thân nhà thuốc hoạt động chưa đúng quy chế dược (dược sĩ cho thuê bằng, thuốc mua bán trôi nổi, tùy tiện…), hoặc nhà thuốc chưa hiểu đúng về GPP, vẫn cho rằng GPP nghĩa là phải đầu tư lớn, hay lo ngại về thực trạng bác sĩ vừa kê đơn vừa bán thuốc dẫn đến không có đơn thuốc để bán thuốc theo đơn, lo ngại về tâm lý và thói quen của người dân…

– Vậy đâu là lợi thế của các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà thuốc GPP trong thời điểm hiện tại, cũng như trong tương lai?

– Các doanh nghiệp có thể tận dụng các ưu đãi về quyền nhập khẩu trực tiếp thuốc hiếm để có nguồn hàng độc đáo tạo nên sự khác biệt; việc phân phối thuốc trực tiếp đến cửa hàng vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa giúp sản phẩm có giá cạnh trạnh…

UYÊN VIỄN (TBKTSG)

Bình luận (0)