Tổng kết sau gần 10 năm thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk Nông (1.1.2004 – 1.1.2014), ông Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết để tạo điều kiện trong đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thống kê những văn bản mà doanh nghiệp phản ánh là rườm rà, không phù hợp để loại bỏ.
Trước mắt, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) trình UBND tỉnh chính sách thu hút đầu tư đồng bộ và đến đầu năm 2014, phải xây dựng xong đề án bố trí kinh phí cụ thể để hỗ trợ nhà đầu tư khi đến thực hiện dự án tại tỉnh Đắk Nông.
Một góc KCN Tâm Thắng ở huyện Cư Jút
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Nông, địa phương này ưu tiên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở thị xã Gia Nghĩa, các huyện Tuy Đức và huyện Đắk Mil. Gắn với nông nghiệp công nghệ cao là phát triển vùng nguyên liệu và thu hút đầu tư bảo quản sau thu hoạch, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Lĩnh vực công nghiệp, tỉnh kêu gọi đầu tư chế biến khoáng sản, các ngành phụ trợ theo bauxite. Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đào tạo nghề… Hiện tại, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng KCN Tâm Thắng ở huyện Cư Jút có tổng diện tích 179,5 ha với vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng. KCN Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp đã được quy hoạch chi tiết 1/500, tỉnh cũng đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Ở các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức, Krông Nô đã quy hoạch cụm công nghiệp, thu hút dự án đầu tư công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao.
Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã thu hút được 207 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 18.000 tỉ đồng, trong đó 95 dự án công nghiệp – xây dựng đạt hơn 14.400 tỉ đồng; 98 dự án nông – lâm nghiệp có quy mô hơn 2.000 tỉ đồng; còn lại 14 dự án ở lĩnh vực thương mại – dịch vụ, du lịch, xã hội hóa có tổng vốn đầu tư 1.768 tỉ đồng.
Một số chính sách ưu đãi
I. Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao
1. Về đất đai:
– Những dự án thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư mà phải thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, UBND các cấp trong tỉnh sẽ thực hiện công tác bồi thường thiệt hại cho các chủ sử dụng đất để bàn giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.
– Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước.
2. Về tài chính, tín dụng:
– Nhà đầu tư được vay vốn từ các quỹ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của nhà nước và quỹ đầu tư phát triển của tỉnh theo quy định hiện hành.
– Trường hợp nhà đầu tư vay vốn tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại để thực hiện dự án thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay từ quỹ đầu tư phát triển của tỉnh…
II. Đầu tư vào công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ
Nhà đầu tư được hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đào tạo lao động; hỗ trợ về xây dựng cơ sở hạ tầng…
theo Người Lao Động
Bình luận (0)