Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

ĐBSCL cần những “cú hích” phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18.7, tại TP.Cần Thơ, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam bộ sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 với sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng nhiều đại biểu.

Báo cáo tóm tắt của BCĐ Tây Nam bộ cho hay 6 tháng qua, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 9% (cùng năm 2012 là 9,5%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nông – lâm- ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Cũng theo báo cáo trên, tình hình xâm nhập mặn diễn biến khá phức tạp; độ mặn trung bình ở các cửa biển, sông chính khoảng 4%, nước mặn tiến sâu vào nội đồng; nắng hạn kéo dài cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết, dòng chảy đã gây khó khăn đối với sản xuất, sinh hoạt của người dân.
ĐBSCL hiện còn tỷ lệ hộ nghèo là 9,2%, hộ cận nghèo là 6,5%. Nguồn nhân lực y tế toàn vùng vẫn còn thấp so với trung bình cả nước. Về khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, vùng này chỉ mới đạt tỉ lệ 4,7 bác sĩ và 0,35 dược sĩ/vạn dân…
Tóm lại, ĐBSCL hiện vẫn còn nhiều khó khăn và rất cần những “cú hích” từ T.Ư để phát triển nhanh, bền vững.

 Nông dân ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn
Chính vì thế, tại hội nghị lần này, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực BCĐ Tây Nam bộ đã nêu nhiều kiến nghị.
Ông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 và ưu tiên bố trí vốn để xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm, bức xúc vùng ĐBSCL (đã đình hoãn) cùng các dự án quan trọng, cấp bách chưa có nguồn đầu tư.
Kiến nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế, chính sách tiêu thụ nông sản hàng hóa, đặc biệt là lúa, gạo, cá tra, tôm. Bộ KH-ĐT sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Quy chế liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2013-2020.
Kiến nghị Bộ Công thương có giải pháp mở rộng thị trường trong-ngoài nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.
Kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp bộ, ngành T.Ư tăng cường đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo việc tăng tần suất chuyến bay từ TP.Cần Thơ đi Hà Nội; đồng thời mở thêm đường bay mới từ TP. Cần Thơ, đảo Phú Quốc đi các tỉnh thành và khai thác các chuyến bay quốc tế.
Và cuối cùng là: “Đề nghị Đài truyền hình Việt Nam chỉ đạo Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP.Cần Thơ nghiên cứu, điều chỉnh thời gian phát sóng chương trình tiếng Khmer cho phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ” – ông Nguyễn Phong Quang nói.
theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)