Niên vụ càphê 2013-2014, các tỉnh Tây Nguyên không những bị mất mùa, giảm mạnh năng suất, sản lượng càphê mà giá bán càphê nhân cũng giảm sâu, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, giá bán càphê nhân đã ngang với giá thành sản xuất, thậm chí còn thấp hơn làm cho các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê lỗ nặng.
Phơi cà phê chất lượng cao tại Đắk Lắk. (Ảnh: Quang Huy/TTXVN)
Do vậy, các tỉnh Tây Nguyên đã kiến nghị Chính phủ sớm cho chủ trương tạm trữ càphê để góp phần hỗ trợ trực tiếp cho các nông hộ trồng càphê, đồng thời điều tiết giá trên thế giới.
Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 557.600ha càphê, chủ yếu là càphê đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch sản phẩm.
Theo các tỉnh Tây Nguyên, niên vụ này, do gặp thời tiết bất lợi, hạn kéo dài, mưa nắng bất thường lại thêm ảnh hưởng của bão lũ nên năng suất chỉ đạt từ 23 đến 24 tạ càphê nhân/ha, với sản lượng trên 1,2 triệu tấn càphê nhân, giảm 15% so với niên vụ trước.
Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích, sản lượng càphê nhiều nhất nước với trên 202.000ha, trong đó có 192.000ha càphê kinh doanh cho thu hoạch sản phẩm.
Niên vụ này, theo đánh giá của ngành chức năng, sản lượng chỉ đạt từ 400.000 đến 432.000 tấn càphê nhân, giảm từ 20.000 tấn càphê nhân trở lên so với niên vụ trước.
Những năm qua, ngành hàng càphê không những đóng góp trên 20% tổng thu ngân sách tỉnh mà còn giải quyết việc làm cho trên 300.000 lao động trực tiếp và hơn 100.000 lao động gián tiếp, đóng góp lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn.
Trong khi đó, giá bán càphê nhân hiện nay chỉ còn 29.500 đồng đến 30.500 đồng/kg, ngang bằng với giá thành sản xuất, giảm từ 10.000 đồng trở lên/kg so cùng kỳ năm ngoái.
Thậm chí, có những vùng đất xấu, xa nguồn nước có đầu tư cao hơn nhưng năng suất chỉ đạt từ 1,8 đến 2 tấn càphê nhân là các nông hộ thua lỗ nặng.
Xã vùng sâu Ea Tul hầu hết là đồng bào dân tộc Êđê, có 100% số hộ gia đình sản xuất càphê, với diện tích trên 4.700 ha và đã trở thành một trong những vùng trọng điểm càphê của huyện Cư M’gar (Đắk Lắk). Niên vụ này xã giảm sản lượng càphê nhân trên 20% so với niên vụ trước.
Hộ gia đình anh Y Miên có 1 ha càphê kinh doanh, niên vụ trước thu hoạch được gần 3 tấn càphê nhân nhưng vụ này chỉ thu được 2 tấn.
Theo tính toán với giá bán như hiện nay, anh Y Miên lỗ từ 2.000 đến 3.500 đồng/kg càphê nhân (do giá thành sản xuất từ khâu vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, giá nhân công… đều tăng cao).
Anh Y Miên mong muốn Nhà nước sớm có biện pháp giúp cho những người trồng càphê, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa giảm bớt khó khăn, giảm bớt lỗ để có vốn tái đầu tư sản xuất cho niên vụ sau./.
Bình luận (0)