Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cơ hội xuất khẩu sang châu Phi

Tạp Chí Giáo Dục

Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương) vừa nhận định một số mặt hàng của Việt Nam đang có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Phi do nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia này đang gia tăng.

Nổi bật trong những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Phi tăng trưởng tốt là hàng thủy sản và dệt may. Nhu cầu nhập khẩu đang gia tăng do tại hầu hết các quốc gia khu vực châu Phi, ngành nuôi trồng thủy sản, nhất là cá nước ngọt không phát triển. Mặt khác, cá da trơn ngày càng được ưa chuộng do được đánh giá có chứa ít cholesterol. Tương tự, tại nhiều nước châu Phi, ngành công nghiệp dệt may còn chưa phát triển dù có nguồn bông nguyên liệu dồi dào. Với dân số và thu nhập của người dân châu Phi ngày càng tăng, lục địa này sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ đầy triển vọng cho mặt hàng dệt may. Trong quý 1/2013, giá trị xuất khẩu hàng thủy sản sang châu Phi đạt 30,3 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thủy sản vào châu Phi đang gia tăng – Ảnh: D.Đ.M

Tuy nhiên, trở ngại của thị trường này là vận chuyển bằng đường biển mất khoảng 40 ngày, thiếu các đường bay trực tiếp nên việc xuất khẩu hàng thủy sản tươi sống gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng thanh toán của phần lớn các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu châu Phi thấp và đôi khi vẫn xảy ra tình trạng lừa đảo thương mại qua mạng internet ở một số quốc gia Tây Phi, dẫn đến tâm lý lo ngại khi DN Việt Nam tiếp cận thị trường này. Một số quốc gia như Ma Rốc, Ai Cập, Algeria, Nigeria… áp dụng mức thuế nhập khẩu cao, đòi hỏi một số giấy tờ thủ tục như xác nhận lãnh sự (Ai Cập), giấy chứng nhận của Tổ chức Tiêu chuẩn Nigeria (SONCAP) đối với các loại thủy sản nhập khẩu. Đối với hợp đồng thương mại, các điều khoản trong hợp đồng do phía Việt Nam soạn thảo thường rất sơ sài, không nêu rõ trách nhiệm của mỗi bên khi ký kết nên dễ bị đối tác gây khó khăn khi có tranh chấp xảy ra… Vì vậy, các DN Việt Nam nên chủ động liên hệ với các Thương vụ Việt Nam ở châu Phi để tìm hiểu thông tin thị trường và đối tác nhập khẩu. Hạn chế việc tìm kiếm và giao dịch với khách hàng chưa quen biết qua mạng internet. Hợp đồng phải quy định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp (trọng tài hay tòa án) để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh. Riêng đối với các DN ngành dệt may, cần tìm hiểu và nắm được các tập tục, văn hóa kinh doanh, quy định xuất nhập khẩu cũng như phương thức thanh toán. Ngoài ra, DN có thể xem xét khả năng đầu tư tại một số thị trường lớn ở châu Phi để tận dụng nguồn nhân công và nguyên liệu giá rẻ, sẵn có để sản xuất hàng dệt may phục vụ nhu cầu nước sở tại và xuất khẩu, vì hầu hết các nước châu Phi được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang EU và Mỹ.

Mai Phương (TPO)

Bình luận (0)