Kinh nghiệm những nước phát triển như Mỹ, Israel hay những nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan… cho thấy, muốn chuyển giao nhanh công nghệ cao (CNC) các lĩnh vực vào sản xuất, nhất là CNC trong nông nghiệp, việc đầu tiên là phải xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp (DN) trong từng lĩnh vực. Việt Nam cũng trong giai đoạn đầu xây dựng các vườn ươm theo hướng này.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Lê Minh Dũng cho biết, trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp TP ngày càng thu hẹp, để nâng giá trị sản xuất từ 280 triệu đồng/ha/năm trong năm 2013 lên 800 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020 không thể thiếu việc chuyển giao ứng dụng CNC cho bà con nông dân. Ngoại thành với khoảng 1,3 triệu người, đã có nhiều mô hình ứng dụng CNC, nhưng thực tế còn nhiều khó khăn trong việc ứng dụng và chuyển giao CNC trong nông nghiệp. Muốn đột phá, tăng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh thì phải ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN nông nghiệp CNC (Khu nông nghiệp CNC TPHCM), mô hình vườn ươm DN đang phát triển mạnh ở nhiều nơi, qua đó giúp một lĩnh vực nào đó có sự phát triển vượt bậc như Mỹ trên 1.350 vườn ươm, Trung Quốc khoảng 1.000 vườn ươm, ngay cả như Thái Lan cũng có 90 vườn ươm, Malaysia 85 vườn ươm. Việt Nam mới có 12 vườn ươm mà quy mô còn rất khiêm tốn, và số DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít. Các vườn ươm DN là nơi thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, là nơi ươm tạo các ý tưởng mới và còn là công cụ đắc lực trong việc đổi mới công nghệ.
Tuy nhiên, những chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để chuyển giao hiệu quả CNC cần có phương thức cũng như mục tiêu sản xuất cụ thể, phù hợp với trình độ, khả năng của người nông dân. Kinh nghiệm cho thấy, trong các phương pháp chuyển giao tiến bộ khoa học, nhất là những CNC, việc xây dựng các mô hình trình diễn có vai trò rất lớn, nếu không nói là quyết định. Từ kết quả mô hình trình diễn, nông dân sẽ dễ dàng tiếp nhận nhờ “mắt thấy, tai nghe” nên sẵn sàng ứng dụng vào sản xuất.
Việc chuyển giao công nghệ thành công và bền vững cần phải có mạng lưới cán bộ khoa học từ cấp cơ sở có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm để hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho nông dân. Không chỉ tổ chức ươm tạo và chuyển giao kỹ thuật trên trường lớp mà đội ngũ cán bộ vườn ươm phải xuống tận nơi để hướng dẫn, tạo động lực để bà con tham gia.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển KHCN trẻ Thành đoàn TPHCM Đoàn Kim Thành, có thể ươm tạo DN ngay tại hộ nông dân đang làm kinh tế. Chúng ta có thể giúp thay đổi công nghệ, tạo đà để phát triển trên cơ sở có sẵn so với việc ươm tạo DN nông nghiệp mới hoàn toàn. Bởi họ là những hộ thật sự đang sản xuất trên ruộng vườn, chỉ việc chọn ra hộ có những tiền đề cơ bản có khả năng phát triển theo hướng DN và chuyển giao công nghệ để thay đổi kỹ thuật sản xuất là nhanh chóng có ngay sản phẩm CNC.
Vì vậy, bên cạnh việc ươm tạo các DN nông nghiệp nên chăng có thể mở rộng đối tượng ươm tạo là nông dân giỏi, những người yêu thích và sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới, nhất là CNC. Không như những DN mới thường gặp khó khăn, bà con nông dân có kinh nghiệm và đất đai, nếu được “ươm tạo” sẽ là điều kiện để “doanh nhân hóa nông dân”, điều mà nhiều nhà quản lý đã ấp ủ.
ĐĂNG LÃM (SGGP)
Bình luận (0)