Còn hơn 1 tháng nữa mới bước vào mùa cao điểm kinh doanh bánh Trung thu. Nhưng tại thời điểm này, bánh đã được bán khá nhiều trên đường phố, từ thành thị tới nông thôn. Kinh tế càng khó khăn, cuộc đua trong phân khúc kinh doanh bánh Trung thu càng trở nên quyết liệt!
Cạnh tranh
Với các doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất bánh kẹo, Trung thu là mùa làm ăn lớn thứ 2 trong năm. Điều này có thể lý giải vì sao các DN đã không ngừng đầu tư, nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm ngày càng hoàn thiện về chất lượng và bao bì mẫu mã. So với năm ngoái, đại đa số các thương hiệu lớn đều tăng sản lượng bánh từ 10%-15%. Giá bán bánh Trung thu năm nay cũng tăng bình quân 5%-10%, ít hơn so với mức tăng nguyên liệu đầu vào thấp nhất là 10% và cao nhất lên tới 50%.
Một cửa hàng bánh Trung thu trên đường Cách Mạng Tháng Tám.
Ảnh: CAO THĂNG
Chào sân sớm nhất năm nay là Kinh Đô, với việc xuất khẩu 5 container bánh sang thị trường Mỹ và Campuchia. Ở trong nước, Kinh Đô đưa ra sản lượng 2.400 tấn bánh, tăng 15% so với năm ngoái. Ngoài các loại bánh truyền thống có mức giá dao động từ hơn 30.000 – 100.000 đồng/cái, năm nay Kinh Đô phát triển mạnh dòng bánh cao cấp Trăng vàng dành để biếu, tặng với mức giá cao ngất. Như hộp bánh Trăng vàng kim cương 12 bánh x 180g giá đến 2.500.000 đồng, Trăng vàng bạch kim 6 bánh x 200g + hộp trà Ôlong 100g có giá 1.200.000 đồng, Trăng vàng hoàng kim đỏ và đỏ vàng 4 bánh + hộp trà cũng có giá 880.000 đồng…
Tương tự, Bibica cũng đưa ra thị trường khoảng 550 tấn bánh, tăng 10% sản lượng so với năm 2012, với 3 dòng bánh chính và trên 60 chủng loại. Về giá bán, Bibica có nhiều mức giá dành cho nhiều phân khúc khác nhau, dao động từ 35.000 – 115.000 đồng/cái. Bibica cũng đang theo đuổi dòng bánh cao cấp, sang trọng có mức giá bình quân 790.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/hộp.
Thương hiệu bánh Đồng Khánh tung ra 3.030 hộp bánh đặc biệt “Đồng Khánh Khánh Chúc” mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Nhiều thương hiệu khác như Như Lan, Đức Phát, Givral, Vinabico, Hỷ Lâm Môn… cũng đưa bánh ra thị trường từ rất sớm.
Hướng đến sản phẩm mới
Những năm gần đây, mỗi mùa trung thu đến là dịp để các thương hiệu bánh chào hàng những sản phẩm mới. Kinh Đô tung ra thị trường dòng bánh Mochi nhân mứt, với các vị mứt dâu, mứt chanh mật ong, mứt cam Nhật, mứt kiwi… chế biến theo phong cách ẩm thực Nhật Bản lạ miệng. Nhà sản xuất này còn sử dụng nguyên liệu là các loại mứt mới như mứt củ sen, mứt vỏ bưởi, mứt củ năng nhằm tạo sự khác biệt cho người sử dụng.
Với thâm niên 64 năm, năm nay thương hiệu bánh Trung thu Thành Long tiếp tục tung ra thị trường 150 tấn bánh các loại. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, chủ Cơ sở bánh mứt Thành Long, cho biết điểm khác biệt so với các thương hiệu khác là Thành Long không sản xuất hàng loạt, không bán rộng rãi trên thị trường mà chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của các đối tác lớn như Co.opMart, BigC, Lotte, Citimart… Nhờ ổn định về số lượng và đầu ra cho sản phẩm nên Thành Long luôn có sự đầu tư đúng mức về chất lượng, khẩu vị và bao bì, mẫu mã.
Ngoài 3 dòng bánh truyền thống gồm bánh chay, bánh mặn, bánh cho người ăn kiêng, mùa Trung thu năm nay Thành Long sản xuất thêm các loại bánh mới như thập cẩm ngũ quả (gồm 5 loại hạt), bánh trà xanh hạnh nhân và dừa khoai môn. Thành Long cũng được xem là đơn vị chuyên sản xuất bánh nóng nên bánh chất lượng và mùi vị có sự khác biệt so với bánh được sản xuất theo dạng công nghiệp.
Đối với dòng bánh cao cấp, Thành Long cũng thiết kế một loại hộp mới, giống như một chiếc tủ nhỏ có 4 ngăn, rất đẹp mắt. Khi sử dụng xong, các em nhỏ có thể sử dụng chiếc hộp này để đựng các vật phẩm yêu quý của mình. Bà Ngọc Thúy cho rằng, đây là cách để Thành Long luôn làm mới mình, đồng thời tri ân với khách hàng quen thuộc đã sử dụng và ủng hộ từ 64 năm qua.
Theo ghi nhận của chúng tôi, xu hướng chung trong sản xuất bánh Trung thu năm nay là các DN rất chú trọng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, việc công khai nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất được các DN đề cập rất kỹ để tạo sự yên tâm cho khách hàng.
THÚY HẢI (SGGP)
Bình luận (0)