Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

EVN báo lỗ 6.500 tỷ đồng trong 7 tháng

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Công Thương vừa có báo cáo Chính phủ kết quả sản xuất, kinh doanh tính đến tháng 9/2010 đối với lĩnh vực sản xuất điện.

Theo báo cáo của Bộ, việc đảm bảo cung cấp điện trong 9 tháng năm 2010 là hết sức khó khăn, do tình hình khí tượng thủy văn hết sức bất thường, các dự án nguồn điện mới đưa vào vận hành chưa được ổn định trong khi đó nhu cầu phu tải tiếp tục tăng cao.

Nền nhiệt độ từ đầu năm đến nay cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, nắng nóng diễn ra nhiều đợt gay gắt (nhất là tháng 6, tháng 7 tại Bắc Bộ và Trung Bộ). Bên cạnh đó, lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước sụt giảm nghiêm trọng.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lượng mưa ở Tây Bắc Bộ thấp hơn cùng kỳ từ 15 – 30%. Ở Nam Bộ thấp hơn lượng mưa cùng kỳ từ 15 – 30%; ở Tây Nguyên thấp hơn cùng kỳ từ 30 – 50%.
Do vậy, tình hình thủy văn trên các hệ thống sông trong toàn quốc đều đang chứng kiến hiện tượng cạn kiệt nhất trong vòng 100 năm qua, không chỉ trong 6 tháng mùa khô mà kéo dài đến tận hết tháng 9/2010.
Tính đến đầu tháng 10, tổng lượng nước về các hồ thủy điện trong hồ thủy điện quốc gia giảm 34,19 tỉ m3 so với cùng kỳ năm 2009, làm giảm sản lượng thủy điện khai thác trong 9 tháng khoảng 2,17 tỉ kWh.
Nghiêm trọng hơn, hầu hết các hồ thủy điện lớn như Ialy, Trị An, Hàm Thuận, Đại Ninh, Thác Mơ… đều đang ở mực nước chết. Riêng hồ Hòa Bình nước về hồ thấp hơn cùng thời điểm năm 2009 khoảng 14 tỷ m3 (tổng lượng nước thiếu hụt so với 2009 tương đương khoảng 6,9 tỉ kWh, là một nguy cơ rất lớn trong việc đảm bảo tích nước của nhà máy để phục vụ vận hành trong các tháng còn lại của năm 2010 và mùa khô năm 2011).
Theo Bộ Công Thương, sự thiếu hụt nghiêm trọng lượng nước về các hồ thủy điện là nguyên nhân chính của vấn đề thiếu điện trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó, phụ tải vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14,83% so với cùng kỳ. Trong đó, điện cấp cho công nghiệp và xây dựng tăng 18,69%; điện cho quản lý và tiêu dùng tăng 6,99%; điện cho thương nghiệp và dịch vụ tăng 12,51%; điện cho nông lâm nghiệp thủy sản tăng 35,95%.
Bộ Công Thương cho hay, để khắc phục thiếu hụt nguồn thủy điện ở mức trầm trọng, các nguồn nhiệt điện chạy than mới hoạt động chưa ổn định và thường xuyên bị sự cố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các doanh nghiệp khác như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản… đã cố gắng để cung ứng điện cho xã hội ở mức tối đa có thể.
Đặc biệt, EVN đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, huy động hết công suất các nguồn chạy dầu và có giá thành cao gấp 3-4 lần giá bán điện bình quân của Tập đoàn. Giải pháp khẩn cấp này đã khiến EVN lỗ khoảng 6,5 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm.
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2010, sản lượng điện sản xuất và mua ngoài đạt 97,01 tỷ kWh, cao hơn so với kế hoạch đặt ra là 4 tỷ kWh. Sản lượng điện thương phẩm đạt 85,41 tỷ kWh. Công suất tăng thêm trong năm đạt khoảng hơn 2.000 MW.
Với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7 – 7,5% (theo dự kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ngành điện dự kiến tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm sẽ đạt khoảng 15 – 17%, sản lượng đạt 98,6 – 100,4 tỷ kWh, sản lượng điện sản xuất và mua ngoài đạt 112 – 114 tỷ kWh.
Mục tiêu trong năm 2011 của ngành điện là nâng tổng công suất ngành lên thêm hơn 2.000 MW, đảm bảo điện cho sản xuất và nhu cầu thiết yếu của nhân dân, đặc biệt là mùa khô năm 2010 – 2011 ở miền Bắc.
Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án lưới điện truyền tải để giải phóng bước đầu cho khu vực Tây Nguyên như đường dây 220 kV Buôn Kuốp – Đắc Nông, nâng công suất các tụ bù dọc trên các đoạn đường dây 500 kV từ Pleiku đi về miền Nam; đẩy nhanh tiến độ dự án đường dây 220 kV Đăk Nông – Phước Long – Bình Long. Hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công các dự án 500 kV Pkeiku – Đăk Nông – Mỹ Phước – Cầu Bông…
Nguồn: VnEconomy

Bình luận (0)