Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vốn FDI nhỏ giọt vào ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

Dù ĐBSCL đã có cảng biển, sân bay quốc tế nhưng do hạ tầng giao thông kém và trình độ lao động thấp, các nhà đầu tư nước ngoài chưa muốn rót vốn vào khu vực này
Tình trạng này được đưa ra phân tích tại hội thảo “Vì sao thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ĐBSCL còn hạn chế?” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức ngày 13-8.
Tắc nhiều đường
Theo số liệu của VCCI Cần Thơ, từ năm 1988-2010, thu hút vốn FDI của ĐBSCL đạt 9,8 tỉ USD, bằng 4,6% tổng vốn FDI cả nước. Năm 2011 và 2012, vốn FDI đạt 1,6 tỉ USD (chiếm 7,5% cả nước). Các tỉnh, thành thu hút nhiều FDI gồm Long An (37%), Kiên Giang (30%), Cần Thơ (15%), Cà Mau (8%). Sở dĩ Long An và Tiền Giang thu hút lớn các dự án FDI vì nằm kề TP HCM.
 “Việc các tỉnh ĐBSCL thu hút FDI thấp do chưa có hệ thống logistics (kho vận) từ Cần Thơ, các tỉnh trong vùng đến TP HCM. Cảng Cái Cui, cảng Cần Thơ, sân bay Cần Thơ đã có nhưng hiệu quả thực sự chưa cao. Ngoài ra, lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trong nông nghiệp nhiều nhưng trình độ học vấn thấp, tay nghề yếu nên doanh nghiệp (DN) nước ngoài rất ngại tuyển dụng” – TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, phân tích.
Cần xây dựng một cảng cạn, trung tâm phân phối tại TP Cần Thơ
để giảm phí vận chuyển. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Trà Nóc (TP Cần Thơ)
Ông Motoyuki Nakamura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Tri – Việt (trụ sở tại KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ), nói rằng các công ty Nhật Bản muốn đầu tư vào ĐBSCL nhưng cơ sở hạ tầng nơi đây chưa hoàn thiện. Vùng có sân bay quốc tế Cần Thơ nhưng chưa mở chuyến bay quốc tế như đi Hồng Kông, Thái Lan… Cộng với thông tin về địa phương hạn chế, khó nắm bắt tình hình nên những công ty này đã chuyển sang đầu tư vào các nước lân cận.
Theo một khảo sát của VCCI vào năm 2012, lao động tại TP Cần Thơ có chất lượng chiếm 70%, trong khi tỉ lệ này ở TP HCM là 93,5%. Chi phí lao động (tiền lương) tại vùng cũng thấp hơn miền Đông Nam Bộ và TP HCM. Thu nhập chưa hấp dẫn nhưng người lao động trong vùng phải trả nhiều chi phí, tình hình an ninh bất ổn… khiến họ di chuyển ra bên ngoài vùng như đến TP HCM, Bình Dương tìm việc.
 TS Võ Hùng Dũng đánh giá: “Vấn đề lao động là điểm tắc nghẽn thu hút FDI. Lao động của vùng dồi dào nhưng khi DN cần thì không đáp ứng đủ”. Còn ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nhìn nhận: “Khó khăn nhất trong việc thu hút FDI tại tỉnh là không có quỹ đất sạch để DN đầu tư. Họ muốn đầu tư vào KCN nhưng nơi này vẫn chưa hoàn chỉnh”.
Chắt chiu lợi thế
Ông Kim Do Kyong, đại diện Cơ quan Xúc tiến quốc gia công nghiệp và Công nghệ thông tin (Hàn Quốc), đánh giá: “Có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư nhưng chưa mặn mà với ĐBSCL. Vì đất nước chúng tôi sản xuất nhiều sản phẩm nông thủy sản nên không cần thiết phải nhập khẩu.
 Tuy nhiên, trong tương lai, ĐBSCL là khu vực nông nghiệp quan trọng nên chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam để phát triển sản phẩm có giá trị cao”. Theo ông Motoyuki Nakamura, năm 2007, công ty ông sang Việt Nam đầu tư và sở dĩ chọn TP Cần Thơ là vì nơi đây giá nhân công rẻ hơn TP HCM, lực lượng lao động tốt nghiệp ĐH Cần Thơ cũng rất năng động.
Trước những khó khăn mà tỉnh Bến Tre vấp phải, ông Trần Anh Tuấn khẳng định địa phương sẽ tăng cường cải cách hành chính, mở rộng KCN và đang dành 68 ha quỹ đất sạch thu hút dự án FDI. Sắp tới, cầu Cổ Chiên hoàn thành sẽ trở thành lợi thế để tỉnh này mời gọi dự án FDI.
TS Võ Hùng Dũng cho rằng trong dài hạn, ĐBSCL cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng mới giảm được phí vận chuyển, tăng đầu tư và tạo cơ hội cho hàng công nghiệp, dịch vụ bứt phá. “Việc đầu tư cảng biển hiện nay rất phân tán. Nếu tập trung đầu tư cảng cạn, trung tâm phân phối tại TP Cần Thơ sẽ tiết kiệm được phí vận chuyển. Hàng hóa từ các cảng TP HCM về đây rồi phân phối về các tỉnh và ngược lại. Việc này giúp Cần Thơ đóng vai trò trung tâm vùng nhiều hơn” – ông Dũng nói.
Giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản Yasuzumi Hirotaka khuyên: ĐBSCL phải đào tạo được tại chỗ nguồn nhân lực trẻ dồi dào nhưng giá rẻ, hỗ trợ nguồn nhân lực cho DN. Điều này rất quan trọng vì các công ty sử dụng nhiều lao động đang rút lui khỏi Trung Quốc, Thái Lan do mức lương tăng cao.
“Trung tâm” vẫn… lẹt đẹt!
Mặc dù là trung tâm vùng ĐBSCL nhưng TP Cần Thơ thu hút vốn FDI còn khiêm tốn, đứng sau tỉnh Long An và Tiền Giang. Kết quả so sánh giữa các địa phương vào năm 2010 cho thấy Cần Thơ đứng thứ 29/63 tỉnh về thu hút vốn FDI với 641 triệu USD, chiếm 0,4% cả nước, trong khi Đà Nẵng là 2,97 tỉ USD (chiếm 1,5%), Hải Phòng (5,1 tỉ USD)… Nếu so sánh vốn FDI trên đầu người thì Cần Thơ chỉ bằng 1/5 của Hải Phòng và 1/6 của Đà Nẵng. 
Theo NLĐ
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)