Có một nghề cũng làm công việc liên quan đến tiền bạc, nợ nần của người khác nhưng thay vì đi… đòi nợ thuê thì những người hành nghề này làm việc ngược lại: Đi… khất nợ.
“Quan trọng là mình biết dùng ba tấc lưỡi để thay mặt thân chủ mà thuyết phục người ta cho chầm chậm… trả nợ. Nhưng có vào cuộc mới thấy, nghề này “khó nuốt” vô cùng”, Vũ Thị Ngọc Hoa, cử nhân luật, thành viên của nhóm N.P.S, chuyên đảm nhận công việc… khất nợ thuê, lý giải.
Nghệ thuật tìm… điểm yếu
Cách đây hơn một năm, người chú họ của Hoa là giám đốc công ty TNHH N.M, chuyên cung cấp vật liệu xây dựng ở quận Tân Phú, bị “bể” hợp đồng với phía đối tác là một công ty xây dựng do cung cấp nguồn hàng trễ hẹn và chất lượng hàng không đạt tiêu chuẩn. Theo thỏa thuận giữa hai bên trong thời gian 3 tháng, bên phía công ty của chú cô phải hoàn trả đủ số tiền đặt hàng đã nhận cùng số tiền bồi thường thiệt hại là 500 triệu đồng. Tuy chưa đến thời hạn thỏa thuận nhưng bên phía đối tác thường xuyên cử người đến yêu cầu phải thanh toán dứt điểm và dọa sẽ kiện ra tòa.
Ông chú của Hoa phát hoảng nên nhờ cô cháu cử nhân luật “lo liệu” giùm. Sau một tuần lễ “ôm” đống hợp đồng giữa hai bên nghiền ngẫm, Hoa mới phát hiện ra bên phía đối tác cũng đã… vi phạm các điều khoản theo bản hợp đồng đã ký lúc đầu. Theo đó thì lẽ ra bên công ty này không được thay đổi địa điểm nhận hàng do công ty N.M chở đến. Dù sau đó, việc thay đổi này đã được họ báo trước nhưng chỉ thông qua điện thoại. Giấy trắng mực đen mới là quan trọng. Một cuộc gặp đã diễn ra giữa Hoa và giám đốc phía đối tác. Trước lý lẽ khá sắc bén nhưng cũng rất ngọt ngào, mềm mỏng của cô cử nhân luật trẻ trung, người “chủ nợ”… biết rằng, nếu làm “căng” ra thì mình cũng có thể bị… kiện ngược lại. Thôi thì cứ thống nhất như thỏa thuận ban đầu…
Sau “phi vụ” này, Ngọc Hoa nảy ra sáng kiến thành lập hẳn một nhóm chuyên đi… khất nợ mướn. Cô huy động thêm năm người bạn vừa tốt nghiệp đại học ngành luật và kinh tế để cùng “chung sức” làm việc. Nhóm N.P.S của Hoa là một trong 5, 6 nhóm chuyên nhận làm công việc khá độc đáo này ở TPHCM. Thỉnh thoảng qua các thông tin rao vặt, quảng cáo trên báo chí, họ thường tự giới thiệu vắn tắt là “…nhận hỗ trợ, tư vấn về các hợp đồng kinh tế, các khoản nợ nần…”. “Nhiệm vụ của tụi em là phải tìm ra… “điểm yếu” của đối tác để thương lượng, thuyết phục và… năn nỉ họ kéo dài thời gian… trả nợ của thân chủ”, Lê Thị Cẩm Hồng, cũng là thành viên của nhóm, kể. “Điểm yếu” của đối tác mà các nhóm “khất nợ thuê” phải tìm có thể là những vi phạm, sai sót trong hợp đồng, những “nhược điểm”, “bài tẩy” trong làm ăn, kinh doanh của họ và thậm chí đó là… cá tính, sở thích của người… chủ nợ.
Nghề nghe… chửi
Ngô Bích Đào, thành viên nhóm “tư vấn về nợ và các hợp đồng kinh tế, dân sự Phương Khoa”, kể bình quân cứ 10 vụ nhóm nhận thì khoảng 5, 6 vụ là thành công. Nhưng gì thì gì, đã đi khất nợ là phải trên “tinh thần” sẵn sàng… nghe chửi. Với những khách hàng có đối tác là các công ty lớn, uy tín thì may ra còn được tiếp đón lịch sự chứ gặp trường hợp một vài DN tư nhân hay chủ các cơ sở, cửa hàng nóng nảy thì xem như phải “trân” mình mà chịu “đòn”. Bao giờ cũng vậy, sau cú điện thoại hẹn gặp và mới vài câu xã giao: “Em thay mặt cho cơ sở A đến gặp anh để giải quyết về khoản nợ B…” thì có thể chủ nợ còn vui vẻ, niềm nở. Nhưng chỉ vài ba câu sau đó, biết “mòi” sẽ bị “trì hoãn” nợ, nhiều người đuổi thẳng: “Về đi, tôi không thèm nói chuyện với cô. Kêu thằng đó đến đây, đừng có trốn, tôi kiện ra tòa đó…”. Không ít lần, Đào đã bị bảo vệ các công ty “tống cổ” ra khỏi cổng khi buổi “thuyết khách” còn đang… dang dở. Thậm chí, có lần, cô còn bị bà chủ một lò heo quay xua chó đuổi chạy sau khi hất tách nước trà… vào mặt.
Khất nợ… cũng cần có tâm
Tôi hỏi Hoa vì sao thành viên của các nhóm đa phần là nữ mà rất ít nam giới? Hoa cười, có lẽ vì phụ nữ tính tình mềm mỏng, nhẫn nại nên phù hợp với công việc này. Vả lại, ít ai nỡ nặng lời hay có hành vi quá đáng với những cô gái xinh đẹp. Thật ra thì mỗi nhóm cũng đều có một, hai thành viên nam nhưng thường chỉ làm nhiệm vụ xuống “địa bàn” nắm thông tin về các đối tác hoặc đi “hộ tống” nữ.
Cứ một hợp đồng, họ nhận với mức giá từ 1 triệu – 5 triệu đồng, tùy theo sự việc cụ thể và khoản nợ. Sau đó, nếu thành công mỗi người sẽ trích lại 30% cho nhóm còn lại thì mình hưởng. Nếu thất bại thì coi như tốn công mà chẳng được đồng nào. Tôi hỏi cô cử nhân luật nhà ở quận 5 Lê Thị Cẩm Hồng vì sao lại theo cái nghề khá lạ lùng và nhọc trí này? Hồng bảo, ban đầu do… thất nghiệp nên đi làm kiếm thêm, sau thấy cái nghề này cũng có nhu cầu trong xã hội nên đeo bám luôn. Hồng bảo bây giờ, nhóm của cô đã có “thương hiệu” nên khách hàng tự động giới thiệu với nhau tìm đến. Nhờ vậy, thu nhập của các thành viên trong nhóm cũng tương đối ổn.
“Làm gì thì làm nhưng tụi em không bao giờ nhận đi khất nợ cho những nơi có dấu hiệu làm ăn phi pháp hay bê bối. Bởi vì, như vậy là mình góp sức cùng họ vi phạm pháp luật và cũng không bao giờ tìm điểm yếu của đối tác để mà hù dọa họ. Phương châm của tụi em vẫn là dựa vào tình, lý để mà thương lượng, thuyết phục”, Hoa quả quyết. Cô bảo, có nhiều khách hàng đến ký “hợp đồng” với số tiền công rất cao nhưng sau khi tìm hiểu thì cô phát hiện là họ cố tình trì hoãn, không trả nợ cho đối tác nên nhất quyết không nhận. Bởi vì, dù làm nghề khất nợ cũng đòi hỏi phải có cái tâm thì mới theo nghề lâu dài được
Có lần, tiếp một khách hàng là chủ một quán bar ở quận Gò Vấp, Hoa phải nghe mắng mỏ, xỉa xói trong gần một tiếng đồng hồ. Sau đó cô mới có cơ hội nhỏ nhẹ trình bày lại sự việc kèm theo những chuyện “nhạy cảm” về làm ăn của bà này. Càng nghe, thái độ bà chủ nợ càng “dịu” hơn trước. Cuối cùng, ba ta đổi giận làm vui, chấp thuận cho thân chủ của cô hoãn nợ thêm 3 tháng. Cũng có lần, Hoa còn phải dùng cả “mỹ nhân kế” để tiếp một ông có tính ưa “hảo ngọt”. Sau gần 45 phút thuyết phục cho thân chủ, cô còn phải bỏ thời gian gần 3 tiếng đồng hồ đi uống cà phê với tay chủ nợ chỉ để nói chuyện… trời trăng, mây nước. Được cái, kết cục, ông này không đòi kiện nữa mà còn “Em về công ty anh làm đi…”.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)