Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khó tuyển người đi xuất khẩu lao động

Tạp Chí Giáo Dục

LĐ cần được đào tạo nghề trước khi đi XKLĐ

Năm 2008, toàn tỉnh Hưng Yên có 2.515 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đạt 72,5% kế hoạch (mục tiêu là 3.500 người). Kế hoạch năm 2009 đưa 3.000 người đi làm việc ở nước ngoài, nhưng 6 tháng đầu năm mới có 900 người đi.

Mặc dù, nhiều thị trường có dấu hiệu hồi phục, nhưng XKLĐ của Hưng Yên gặp nhiều khó khăn.

Người lao động vẫn kén chọn
Từ 2005 – 2007, Ngọc Thanh (huyện Kim Động) là xã có nhiều người đi XKLĐ, trung bình mỗi năm từ 90 – 100 người. Tuy nhiên năm 2008, cả xã chỉ có 15 người đi làm việc ở nước ngoài. Xã Minh Tân (huyện Phù Cừ) hiện có 180 người đang làm việc có thời hạn tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…, những người này đều đi từ các năm trước. Càng ngày, người LĐ càng kén chọn do không hiểu hết về thị trường ngoài nước và chủ yếu vẫn "truyền tai" nhau về thị trường "tốt, xấu".
Có một nghịch lý là người LĐ tay nghề chưa cao, khả năng ngoại ngữ hạn chế, nhưng có tâm lý "phải đi bằng được" những thị trường thu nhập cao. Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó phòng Việc làm – An toàn LĐ, Sở LĐTBXH – cho biết: "Người LĐ không mặn mà với các nước Trung Đông do việc vất vả, lương thấp. Những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc… LĐ lại khó "với" tới. Hơn nữa, người nghèo vẫn còn "ngại" đi XKLĐ do tâm lý còn e dè, sợ cảnh làm việc nơi đất khách quê người".
Theo ông Dũng, thời gian vừa qua LĐ Hưng Yên chủ yếu đi Malaysia, Lào, Trung Đông…, sắp tới tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác dạy nghề để chuyển dịch sang nhóm thị trường Đài Loan, Châu Âu…
Vẫn còn "cò" XKLĐ

Hiện, 30 DN đang tham gia hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số Cty, DN thực hiện nhiệm vụ XKLĐ chưa đủ năng lực, uy tín gây mất niềm tin của người dân, một số xã vẫn còn "cò" dụ dỗ người LĐ nhẹ dạ tin vào những "vùng đất hứa" không thực tế. Tuyển dụng không kỹ dẫn đến một số trường hợp vi phạm hợp đồng bị trả về nước, tạo dư luận xấu, gây khó khăn khi tuyển LĐ mới.
Công tác tư vấn cho người LĐ còn sơ sài, không phân tích rõ về phí dịch vụ, điều kiện cho vay… khiến người LĐ lúng túng, thiếu thông tin. Cty XKLĐ Thương mại và dân lập Sovilaco, Cty Vật tư công nghiệp quốc phòng Gaet… đã có những hoạt động thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến việc XKLĐ của tỉnh.
Theo ông Đoàn Văn Hòa – GĐ Sở LĐTBXH, để đẩy mạnh công tác XKLĐ cần có những cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho người LĐ như: Đào tạo nghề, học tiếng miễn phí bằng cách lồng ghép từ phần kinh phí dạy nghề cho nông dân để XKLĐ.
Hỗ trợ kinh phí bằng cách trích từ ngân sách tỉnh hàng năm một phần kinh phí để hỗ trợ cho mỗi người đi XKLĐ (đã có hợp đồng với Cty) 500.000 đồng. Nâng mức vay ưu đãi từ nguồn vốn vay XKLĐ lên 50.000.000 đồng/người cho tất cả các thị trường. Ông Hoà cho rằng: Khi được đào tạo bài bản, LĐ sẽ có thu nhập ổn định, hết thời hạn hợp đồng trở về cũng không lo thất nghiệp.

Linh Nhung (LD)

 

 

Bình luận (0)