Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Sản xuất manh mún, thiệt nông dân

Tạp Chí Giáo Dục

Những yếu kém của nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập người dân. Đã đến lúc cần nghiêm túc tìm kiếm, áp dụng mô hình mới thay thế.

Vấn đề này được bàn luận trong hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn” tổ chức tại TP Cần Thơ, do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, diễn ra trong 2 ngày 4 và 5-9.
Khu vực thu hút FDI thấp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nền nông nghiệp hiện vẫn luẩn quẩn ở tầm sản xuất manh mún, năng suất thấp, công nghiệp chế biến chậm phát triển dẫn đến tình trạng xuất khẩu nông sản thô, ít giá trị. Có một nghịch lý là trong lúc ngành nông nghiệp rất cần vốn để đầu tư cho sản xuất thì tình hình đầu tư vào nông nghiệp lại rất hạn chế. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào khu vực này hiện chỉ chiếm 1%-2% so với con số 7%-10% cách đây 10 năm. Nguyên nhân khiến việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp gặp khó là do sản xuất nông nghiệp rủi ro cao, hạ tầng cơ sở sản xuất yếu kém…
Nhiều ý kiến của nông dân tại buổi hội thảo cho thấy sự thiếu liên kết luôn đẩy họ vào tình thế phải chịu thiệt thòi. Một đại biểu đến từ tỉnh Bình Định thẳng thắn: “Cách làm hiện nay chỉ có lợi cho tư thương. Cá ngừ giảm từ 180.000 xuống 40.000 đồng/kg mà chúng tôi vẫn phải bán. Có loại cá họ mua của chúng tôi chỉ 3.000-4.000 đồng/kg nhưng tôi vào TP HCM thấy giá bán đến 35.000 đồng/kg”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tắc, nông dân trồng lúa ở An Giang, cho biết dù mang tiếng có lợi nhuận 30% nhưng thực tế khoảng 11% trong số đó chảy vào túi thương lái.

Nông dân lao lực nhưng lái buôn hưởng lợi nhiều nhất. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở An Giang. Ảnh: THỐT NỐT
GS-TS Võ Tòng Xuân đưa đến hội thảo những vấn đề khá chua cay. Từ một nước nghèo đói, Việt Nam đã vươn lên là cường quốc xuất khẩu gạo với bình quân 7 triệu tấn/năm, công lao to lớn này thuộc về nông dân. Tuy nhiên, từ năm 2001-2010, giá phân bón tăng gấp 4 lần, giá nông dược tăng gấp 2-3 lần… nhưng giá lúa gần như không tăng bao nhiêu. “Chúng ta có thể thấy rõ sự nghèo nàn này mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa: Nông dân nôn nóng bán lúa cho nhanh để trang trải nợ nần, thương lái ép giá bao nhiêu cũng phải bán. Nhà nước cho doanh nghiệp vay tiền không lãi suất để “mua lúa tạm trữ cho dân” với giá rẻ nhưng khi bán lại lúa đó giá cao thì nông dân không hưởng được gì” – GS-TS Võ Tòng Xuân bức xúc. Theo ông, dù giá lúa của nông dân có được nhà nước bảo hộ đi nữa thì bình quân thu nhập của nông dân trồng lúa đạt không quá 400 USD/người/năm, trong khi dân thành phố đạt trên 2.800 USD/người/năm.
Liên kết tìm lối ra
TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng hiện nay có nhiều hình thức sản xuất mới có triển vọng tăng thu nhập cho nông dân. Chẳng hạn như liên kết nông dân qua tổ/nhóm, HTX; liên kết nông dân với doanh nghiệp; liên kết chuỗi giá trị tổng hợp và khép kín như mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ở ĐBSCL nếu diện tích lúa đăng ký sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đầu năm 2011 chỉ có khoảng 7.200 ha thì đến vụ đông xuân năm 2012 diện tích này nâng lên 20.000 ha và đến năm 2013 dự kiến đạt 100.000-200.000 ha, trung bình mỗi tỉnh đạt 10.000-20.000 ha…
Trong tham luận của mình, GS-TS Võ Tòng Xuân chỉ ra rằng công ty cổ phần nông nghiệp sẽ là lối ra cho nông dân trồng lúa. Nông dân trong tổ hợp có thể thành lập HTX, tập đoàn trang trại, hoặc cụm sản xuất, chỉ chuyên trồng/sản xuất một giống cây/con theo đúng chuẩn VietGAP mà thị trường đòi hỏi. Toàn bộ tổ hợp nông dân và các công ty cung cấp vật tư đầu vào và công ty chế biến tiêu thụ đầu ra sẽ hình thành một công ty cổ phần nông nghiệp tại từng vùng quy hoạch. Hợp phần quan trọng trong biện pháp đồng bộ này là quyền được xuất khẩu sản phẩm gạo của các công ty này.
Hằng năm, nhà nước ấn định lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam căn cứ trên diện tích và sản lượng gạo của từng tỉnh. Sau khi trừ ra phần đóng góp vào khối lượng an toàn lương thực của cả nước, mỗi tỉnh sẽ dư ra bao nhiêu tấn gạo thì được quyền xuất khẩu khối lượng đó, không cần phải qua phê duyệt lần thứ hai của nhà nước. Trên cơ sở đó, các công ty cổ phần nông nghiệp của tỉnh sẽ an tâm sản xuất để xuất khẩu. Đây là biện pháp khuyến khích cho sự phát triển nông nghiệp một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “miệng lưỡi” phải về nông thôn đầu tư thật sự.

20 mô hình sản xuất theo VietGAP
Ngày 5-9, hội thảo tổng kết, phổ biến mô hình điểm chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm theo VietGAP/GMPs do Cục Quản lý Nông lâm sản và Thủy sản, dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm phối hợp tổ chức, diễn ra tại TP HCM. Sau 6 năm triển khai chương trình, có 20 mô hình điểm chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn (rau, quả, thịt heo, thịt gà) tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo các đại biểu, siêu thị là kênh phân phối đầu tiên của sản phẩm có chứng nhận VietGAP. Theo đó, doanh số bán ra tăng từ 27%-38% cho các mặt hàng rau được đóng gói có logo VietGAP so với thời gian trước chương trình. Các sản phẩm này có giá bán cao hơn trung bình 2,1% trong khi chi phí sản xuất không quá cao nên người trồng có lãi. Tuy nhiên, với mặt hàng gà thì chi phí theo VietGAP còn cao so với chăn nuôi thông thường…
S.Nhung

CA LINH – QUÝ LÂM
Theo Người Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)