Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Ảm đạm thị trường lao động cuối năm

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù đã đến giữa quý 4 của năm 2013, nhưng ít thấy doanh nghiệp (DN) trưng biển hay đăng báo tuyển dụng ồ ạt hàng trăm lao động như những năm trước. Trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) cũng thu hẹp hoạt động, thị trường lao động cuối năm 2013 trở nên tĩnh lặng.

“Chưa có doanh nghiệp kêu…”

Điệp khúc trên được bà Nguyễn Thị Phương Mỹ, chuyên viên văn phòng Trung tâm GTVL KCX Linh Trung (phường Linh Trung, quận Thủ Đức tphcm), nhắc đi nhắc lại với số người lao động ít ỏi đến tận trung tâm hoặc gọi điện hàng ngày để đăng ký tìm việc làm. Giờ này những năm trước, các phòng trong văn phòng hoạt động hết công suất cũng không kịp phục vụ người lao động đến liên hệ; DN liên tục gọi điện đến yêu cầu giới thiệu người lao động… Nhưng nay thì khác. Văn phòng GTVL KCX Linh Trung 2 (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) đã đóng cửa; hoạt động tư vấn, cung ứng lao động được chuyển sang, gộp luôn với văn phòng GTVL KCX Linh Trung 1 (nay gọi chung là Văn phòng GTVL KCX Linh Trung). Nhưng giờ đây, cả văn phòng GTVL Linh Trung chỉ còn lại duy nhất bà Mỹ bám trụ. Mỗi ngày, chỉ chừng 30 người đến văn phòng liên hệ tìm việc, tập trung từ 7 giờ 30 đến 10 giờ và kết quả, họ thường thất thểu cầm hồ sơ xin việc ra về. Bà Mỹ giải thích: Nếu văn phòng giữ hồ sơ xin việc, người lao động lại kỳ vọng đã được hứa hẹn. Vì thế, văn phòng chỉ ghi lại thông tin, nếu có việc chúng tôi sẽ gọi điện báo lại người lao động. Văn phòng cũng chủ động liên lạc với các DN để hỏi xem nhu cầu nhân lực song chỉ lác đác vài DN có nhu cầu tuyển người với số lượng nhỏ – chừng 5 người, 10 người đổ lại”.

Vắng vẻ tại sàn giao dịch việc làm trong dịp cuối năm

Tương tự như việc tuyển nhỏ giọt qua kênh trung tâm GTVL KCX, việc tuyển dụng trực tiếp ở các DN cũng khá vắng vẻ. Tại một số KCX-KCN, gần như không có DN nào trưng biển, đặt bàn ngay trước DN để tuyển dụng ồ ạt hàng trăm công nhân như mọi năm. Một vài tấm biển mới được trưng lên với nhu cầu tuyển nhỏ lẻ nhưng khi chúng tôi ghé hỏi thăm thì đều nhận được câu trả lời: “Đã tuyển đủ rồi!”.

Do đơn hàng không tăng

Tình hình cũng không khá hơn ở website của Trung tâm GTVL TPHCM. Bên cạnh các DN tuyển bảo vệ, bán hàng với số lượng 50-100 người, hầu hết các DN khác chỉ tuyển vài người. Nổi bật có Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) rao tuyển hơn 110 nhân viên, công nhân (chủ yếu là người biết tiếng Trung, tiếng Nhật). Tuy nhiên, so với tổng số khoảng 80.000 lao động ở DN này thì số rao tuyển dụng thêm chiếm tỷ lệ không lớn.

Khối sản xuất dịp cuối năm cũng lép vế hơn trong tuyển dụng so với nhóm ngành nghề kinh doanh – bán hàng, dịch vụ – phục vụ tại các sàn giao dịch việc làm. Trong hơn 1.900 nhu cầu tuyển dụng vào ngày 1-11 ở sàn giao dịch việc làm tại quận 12, có đến 970 nhu cầu về bán hàng và gần 400 nhu cầu về bảo vệ, chăm sóc khách hàng. Ngày 4-11, trong hơn 1.600 nhu cầu việc làm ở sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm GTVL TP, có gần 700 chỗ làm về bán hàng; số lao động ngành dệt may, cơ khí, xây dựng, vận tải xe container, thực phẩm, quản lý kho… chỉ lác đác tuyển từ 1 đến 20 người. Quận Bình Tân, nơi tập trung nhiều DN nhưng sàn giao dịch việc làm tổ chức vào ngày 5-11, trong hơn 1.100 nhu cầu tuyển dụng, riêng bán hàng đã chiếm gần 700, còn các ngành da giày, cơ khí, điện – điện tử, hành chính… chỉ tuyển dưới 10 người/ngành nghề.

Theo ông Bùi Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm GTVL các KCX-KCN TPHCM, trong thời buổi khó khăn, một số DN đã chủ động chia sẻ đến đời sống công nhân nên số người nghỉ việc không nhiều. Mặt khác, công nhân cũng ý thức được tác hại của nhảy việc, nhất là trong thời điểm cuối năm – mọi người đều cố gắng tích lũy thời gian, thâm niên lao động để trông đợi tiền thưởng tết. Nhân công ít biến động cộng với dịp cuối năm nay, đơn hàng không tăng mạnh nên DN không có nhu cầu tuyển thêm người.

Đánh giá thị trường lao động cuối năm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho rằng, nhu cầu nhân lực của thị trường có xu hướng ổn định từ nay đến hết năm. Tình trạng thay đổi chỗ làm việc của lao động không diễn ra ồ ạt như cùng kỳ những năm vừa qua (chỉ dao động dưới 10%, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2012 và giảm 20% so với cùng kỳ 2011). Mức độ dịch chuyển lao động tập trung các DN quy mô vừa và nhỏ. Theo ông Tuấn, thời điểm cuối năm, các DN vừa tập trung sản xuất kinh doanh, vừa tính toán tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường nên nhu cầu về nhân lực kinh doanh, bán hàng và lao động phổ thông cần nhiều. Tình trạng thiếu hụt lao động thời vụ và phổ thông có thể diễn ra nhưng ở mức độ không cao như các năm trước.

ĐƯỜNG LOAN (SGGP)

Bình luận (0)