Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khốc liệt thị trường bán lẻ điện máy

Tạp Chí Giáo Dục

Trung tâm điện máy Home One (Q.Gò Vấp, TP.HCM) thuộc Công ty CP dịch vụ bán lẻ Tiên Phong, vừa phải ngưng hoạt động, cho thấy mức độ cạnh tranh khốc liệt của thị trường này.

Trung tâm điện máy Home One đã phải đóng cửa – Ảnh: Hoàng Việt

Home One là cái tên mới nhất sau những WonderBuy, Best Caring… bị “nốc ao” khỏi “sân đấu” bán lẻ điện máy. Bình luận về diễn biến này, ông Bùi Tấn Cường, Giám đốc tiếp thị Siêu thị điện máy Thiên Hòa, cho rằng cũng như các ngành khác, cạnh tranh không nổi phải đóng cửa là chuyện bình thường. Một số đơn vị đã lầm tưởng rằng kinh doanh điện máy không khó nên hăm hở nhảy vào, rốt cuộc đã không thể vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Thể Hải, Tổng giám đốc Trung tâm điện máy Ideas, nhận xét: “Tình hình khó khăn với tất cả mọi ngành nghề. Sức mua thấp đã làm bộc lộ vấn đề đầu tư phát triển sai lầm trong khi tiềm lực tài chính không đủ mạnh”.

Theo ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc Dienmay.com, ngành bán lẻ điện máy đòi hỏi nhiều kỹ năng về vận hành, vốn. Chi phí mặt bằng, chi phí vận hành, vốn đầu tư rất cao, có thể vài chục đến hàng trăm tỉ đồng/trung tâm trong khi sức mua thấp, doanh số giảm nên nhà bán lẻ gặp khó khăn. Ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc marketing Hệ thống trung tâm điện máy Nguyễn Kim, nhận định thị trường bán lẻ điện máy có vẻ sôi động với sự hình thành của rất nhiều các siêu thị hào nhoáng nhưng sau đó đã phải lặng lẽ ra đi. “Không ít công ty hình dung chưa hết đặc thù kinh doanh hàng điện máy. Ngành này đòi hỏi cao về công tác hậu mãi, vốn. Nếu không chuẩn bị chu đáo, doanh nghiệp khó bề trụ vững”, ông Thy chia sẻ.

Dự báo về thị trường sắp tới, ông Thy cho rằng: “Tình hình kinh tế vẫn chưa lạc quan, có thể tiếp tục có thêm nhà bán lẻ điện máy gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Người tiêu dùng cần lựa chọn mua hàng ở các trung tâm lớn, uy tín để tránh rủi ro về bảo hành, hậu mãi sau này nếu trung tâm mà mình mua hàng chẳng may đóng cửa”.

Hoàng Việt (TNO)

Bình luận (0)