Sáng 16/9, tại UBND huyện Phú Quốc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội thảo: “Xây dựng khu hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc”. Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang, các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp tham dự.
“Làng chài” Phú Quốc sẽ thành đặc khu. |
Cần lựa chọn cán bộ giỏi
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS Trần Du Lịch – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đánh giá bản đề án được xây dựng công phu, đề xuất nhiều nội dung mang tính đột phá, trong đó thể hiện tính đặc thù về thể chế, chính sách… Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch góp ý: “Ta phải hiểu một tinh thần thực chất về mặt thể chế đặc khu là “một quốc gia trong một quốc gia”.
Ở đó, thậm chí áp dụng hệ thống pháp luật riêng. Người ta còn hướng tới thu hút những nhà đầu tư từ quốc gia nào để áp dụng thể chế hành chính, phương thức quản trị tương đồng với quốc gia đó. Đặc khu Inchon (Hàn Quốc) là một ví dụ, họ hướng đến nhà đầu tư Mỹ, nên áp dụng cách quản trị hành chính kiểu Mỹ. Đây là triết lý phát triển khi xây dựng đặc khu. Thế nhưng trong đề án chưa thể hiện rõ nội dung này”.
Về mô hình tổ chức chính quyền, ông Trần Du Lịch đề nghị chỉ nên tổ chức một cấp chính quyền tinh gọn, không rườm rà. Với mức dân số hơn 100 ngàn người như hiện nay, khi trở thành đặc khu, Phú Quốc chỉ cần khoảng 25-30 Đại biểu HĐND, nhưng tất cả đều làm việc chuyên trách, hoặc chỉ kiêm nhiệm công tác Đảng hay đoàn thể. Vì vậy, đề án cần nghiên cứu thêm về tiêu chí và chính sách sử dụng cán bộ, công chức làm sao cho đội ngũ này của đặc khu thực sự là sự lựa chọn tinh hoa.
Bên cạnh đó, cần có thể chế đặc thù về đất đai cho Phú Quốc. Từ kinh nghiệm huy động một phần địa tô vào ngân sách nhà nước, mà Trung Quốc thực hiện rất thành công ở các đặc khu. Vì thế, đối với Phú Quốc, không nên áp dụng cơ chế giao đất cho nhà đầu tư như hiện nay, mà thay bằng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất theo mục đích sử dụng. Việc đấu giá đất sẽ loại bỏ được tình trạng đầu cơ, chiếm đất, nâng giá và tham nhũng trong quản lý đất.
Ông Bùi Tất Thắng – Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đề nghị phải có chính sách về tiền lương đặc biệt để thu hút nhân lực trình độ cao đến làm việc tại Phú Quốc; cần kéo dài thời hạn cho thuê đất, thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng nước ngoài; được phép kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm…
Nâng cấp đô thị loại II hay lên đặc khu ?
Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng hiện nay cơ sở hạ tầng Phú Quốc đã tương đối hoàn chỉnh, có cảng biển, sân bay quốc tế… Vì thế, cần đề xuất Chính phủ bỏ qua giai đoạn nâng cấp Phú Quốc lên đô thị loại II trực thuộc tỉnh, triển khai ngay lộ trình nâng huyện đảo Phú Quốc lên thẳng đặc khu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, để thành lập đặc khu Phú Quốc cần phải thông qua Quốc hội, phải ban hành luật về đặc khu.
Nếu bỏ qua giai đoạn nâng cấp đô thị loại II, chờ có hành lang pháp lý đầy đủ rồi lên thẳng đặc khu sẽ quá lâu. Do đó, trước mắt vẫn thực hiện lộ trình nâng cấp huyện đảo Phú Quốc lên thành phố loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang trước. Việc thành lập đặc khu Phú Quốc trên thực tế còn rất nhiều việc phải làm, còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Thời gian vừa qua Thủ tướng đã cho phép Phú Quốc hưởng mọi cơ chế ưu đãi hiện có, nhưng khi triển khai lại không được bao nhiêu. Vì thế đề nghị Chính phủ quán triệt lại quan điểm này một lần nữa để các bộ, ban, ngành Trung ương thống nhất phối hợp thực hiện với địa phương.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao các ý kiến góp ý, thể hiện sự nhất trí cao về quan điểm cần phải sớm xây dựng đặc khu Phú Quốc. Phó Thủ tướng yêu cầu: Quá trình phát triển Phú Quốc phải mang tính đột phá và dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế riêng có của Phú Quốc.
Một yêu cầu quan trọng đối với đề án là phải gắn sự phát triển của Phú Quốc với sự phát triển của đất nước và quốc tế. Tức là, thể hiện tầm quốc tế và nhất định phải trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia và đặc biệt là hội nhập quốc tế.
Hồng Lĩnh (TPO)
Bình luận (0)