Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đức: Phó Thủ tướng gốc Việt Rosler từ chức ở FDP

Tạp Chí Giáo Dục

Báo Tấm gương (Đức) số ra ngày 23/9 cho biết Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP) Đức Philipp Rosler đã thông báo từ chức sau cuộc họp của Đoàn Chủ tịch đảng, một ngày sau khi đảng này bị loại khỏi Quốc hội khóa mới.

Tại cuộc họp, Đoàn Chủ tịch FDP nhất trí rằng toàn bộ Ban chấp hành liên bang của FDP sẽ từ chức sau khi đảng chỉ nhận được 4,8% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử, kết quả thấp nhất trong lịch sử của đảng và cũng là lần đầu tiên FDP không có đại diện trong Quốc hội.

Theo những người trong cuộc, FDP cũng dự kiến sẽ hoãn đại hội bất thường – vốn được lên kế hoạch tổ chức vào tháng Giêng tới – để bầu ban lãnh đạo mới.

Chủ tịch FDP, Đức, Philipp Rosler. (Nguồn: hellenext.org)

Phát biểu tối 22/9 ngay sau khi kết quả tổng tuyển cử được công bố, ông Rosler đã tuyên bố nhận trách nhiệm chính trị cho thất bại của đảng.

Tuy nhiên, cho tới khi thành lập chính phủ mới ở Đức, ông Rosler sẽ vẫn giữ cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế liên bang.

Hiện trong nội bộ đảng FDP đang có những ý kiến yêu cầu lựa chọn ứng cử viên có phong cách mới cho vị trí lãnh đạo chóp bu.

Nghị sỹ Jürgen Koppelin, một người có ảnh hưởng lớn trong đảng, đề xuất hai gương mặt mới là Christian Lindner và ông Wolfgang Kubicki, Chủ tịch nhóm Nghị sỹ FDP tại bang Schleswig-Holstein.

Trong phát biểu mới nhất, ông Kubicki tuyên bố ủng hộ ông Lindner nắm giữ cương vị chủ tịch đảng, cho rằng "đối thủ" của mình xứng đáng hơn và có khả năng đưa FDP thoát khỏi cơn cực bĩ hiện nay.

Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đối tác liên minh trong bối cảnh cả đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối lập và đảng Xanh đều thể hiện không mặn mà với khả năng này.

Hiện đảng SPD đối lập đang tìm cách dồn liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel vào chân tường khi thách đố nữ Thủ tướng đương nhiệm có thể tìm kiếm được đối tác liên minh.

Trong khi đó với đảng Xanh, việc liên minh cũng sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ cho bà Merkel khi đường lối của CDU/CSU và đảng Xanh có quá nhiều điểm khác biệt, nhất là trong vấn đề thuế.

Giới phân tích nhận định, Đức sẽ phải đứng trước quá trình đàm phán lâu dài cho việc tìm kiếm liên minh./.

(TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)