Ước tính mỗi năm Việt Nam bỏ ra khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ để mua các mặt hàng nữ trang.
3,5 tỉ đô la Mỹ dành cho vàng nữ trang mỗi năm. Ảnh: Ảnh minh họa (TBKTSG) |
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Khoa học Ngọc học quốc tế lần thứ 33 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam ngày 13-10 tại Hà Nội. Sự kiện này do Đại học Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đồng tổ chức.
Theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch – Tổng giám đốc tập đoàn DOJI, ngoài là một thị trường tiêu thụ lớn, Việt Nam còn là nước xuất khẩu nữ trang có tiềm năng nhưng do bị hạn chế về chính sách thuế xuất khẩu, nguyên liệu vàng trong nước thường có giá cao hơn quốc tế nên kim ngạch xuất khẩu còn hạn chế.
Ông Phú cho biết, kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức đã có thời kỳ (những năm 2009-2010) đạt tới trên 2 tỉ đô la Mỹ, nhưng do một số chính sách không hợp lý nên gần đây kim ngạch xuất khẩu chỉ còn dưới 50 triệu đô la Mỹ và thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU, Mỹ, Trung Đông.
Theo các chuyên gia tham dự hội nghị, cả nước hiện có đến 12.000 đơn vị sản xuất, gia công hàng trang sức nhưng chỉ có rất ít các công ty đầu tư lớn, sản xuất công nghiệp. Hơn nữa, lực lượng lao động trong nước có tay nghề cao, có khả năng làm được các sản phẩm tinh xảo nhưng vẫn với quy mô nhỏ lẻ.
Hội nghị Ngọc học quốc tế (IGC) được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần trên mỗi châu lục, quy tụ các nhà ngọc học và các nhà chuyên môn của hầu hết các quốc gia có ngành đá quý phát triển trên thế giới.
Tại Việt Nam, IGC sẽ diễn ra 4 ngày từ 13 đến 16-10 tại Khách sạn Lake Side Hà Nội với sự tham gia của 100 đại biểu từ 35 quốc gia trên thế giới. Tại hội nghị, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu 63 báo cáo, trong đó phía Việt Nam sẽ có 5 báo cáo xoay quanh các chủ đề: phân biệt và nhận biết đá quý tự nhiên và đá quý nhân tạo; cập nhật thông tin về các phương pháp xử lý, nâng cấp chất lượng đá quý; đánh giá chất lượng đá quý và định giá; khai thác đá quý….
|
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Bình luận (0)