Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm xoang: Tác hại ở người lớn lẫn trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách để phòng tránh bệnh VX (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Thành Lê

Do khí hậu Việt Nam nóng ẩm, nên cả người lớn lẫn trẻ em đều rất dễ bị viêm xoang (VX). Tuy nhiên, nhiều người còn coi thường, tự ý điều trị mà không biết rằng nó có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị đúng cách.
Cách điều trị VX ở người lớn
Có hai loại: VX cấp tính và VX mãn tính. Hầu hết trong cơ thể mỗi người đều có hàng triệu vi trùng cư trú trong đường hô hấp trên, những vi trùng này vô hại, nhưng khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm hoặc dẫn lưu xoang bị cản trở do cảm lạnh nhiễm siêu vi và một số nguyên nhân khác, vi khuẩn sẽ phát triển gây ra VX. Một số tác nhân khác như sử dụng thuốc xịt thông mũi quá nhiều, hút thuốc lá, bơi lặn cũng làm tăng nguy cơ VX. Người bị polyp mũi, vẹo vách ngăn mũi hoặc VA (sùi vòm họng) phì đại cản trở dẫn lưu xoang cũng dễ VX. Bệnh nhân phải tuân thủ đúng liều lượng thuốc, thời gian điều trị, cũng như lời khuyên bác sĩ khi bị VX cấp tính. Đôi khi phẫu thuật là cách điều trị duy nhất để ngăn ngừa VX mạn tính, như nạo VA, cắt bỏ polyp mũi, chữa vẹo vách ngăn… Phổ biến hiện nay là phẫu thuật nội soi chức năng xoang, trong đó lối thông tự nhiên từ xoang được mở rộng cho phép dẫn lưu dịch tiết. VX có thể dẫn đến các biến chứng ở đường hô hấp như viêm tai giữa, viêm họng mạn tính, viêm thanh quản, khí phế quản; biến chứng ở mắt như nhiễm trùng ổ mắt, viêm thần kinh thị giác; biến chứng sọ não như viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm não, viêm màng não. Khi người bệnh VX bị sốt cao, đau đầu nghiêm trọng, đau mắt hay giảm thị lực, cần kịp thời đi khám bác sĩ.
Trẻ giảm thị lực do VX
Bệnh này rất đáng quan tâm ở trẻ em bởi nó dễ gây biến chứng, với tỉ lệ là 1-3%. Biến chứng mắt do VX làm cho mắt trẻ bị viêm và phù nề dữ dội, mắt bị đẩy lồi ra phía trước, nhãn cầu bị hạn chế vận động, bị mù hoàn toàn nếu thiếu máu cục bộ kéo dài trong 90 phút. Đặc biệt, khi biến chứng vào mắt, trẻ sẽ bị sụp mi, giãn nở đồng tử, giảm cảm giác giác mạc… tạo nên hội chứng đỉnh ổ mắt, gây cảm giác đau đầu dữ dội. Nếu không điều trị kịp thời sẽ lan sang hai mắt và nhanh chóng dẫn tới mù hai mắt. Nguy cơ biến chứng mắt chiếm tỷ lệ 75-85% trong số các biến chứng do bệnh lý xoang mặt gây nên. Số em bị viêm mắt là 40%, viêm thị thần kinh sau nhãn cầu là 60%. Trẻ bị VX dễ có biến chứng mắt hơn người lớn là do cấu trúc xương ở trẻ em xốp hơn người lớn, các lỗ mạch máu nhiều hơn, nên khi nhiễm khuẩn đường hô hấp gây phù nề niêm mạc xoang dẫn tới bít tắc các lỗ thông tự nhiên. Ở trẻ em, các lỗ thông tự nhiên ở mũi thường rộng hơn ở người lớn, càng dễ nhiễm khuẩn từ mũi vào xoang nhanh hơn ở người lớn. Trong khi đó, mỗi năm, trẻ thường bị viêm đường hô hấp từ 6-7 lần/ năm nên các bậc cha mẹ thường chủ quan. Để phòng VX, cha mẹ cần phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ bằng việc mặc ấm cho trẻ vào ngày lạnh, cho trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, tránh bụi, khói, đặc biệt là khói thuốc lá. Trẻ em còn cần một chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường trái cây, rau xanh và tập luyện thể dục để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Khi trẻ bị VX, tuyệt đối không dùng kháng sinh tùy tiện gây các biến chứng nguy hiểm.
BS. Nguyễn Minh Tuấn

Khi thấy trẻ có dấu hiệu đau đầu, ngạt mũi… cha mẹ không nên chủ quan, mà cần đưa trẻ tới bác sĩ. Đặc biệt, khi trẻ có những dấu hiệu trên kèm theo các biểu hiện về mắt như sưng mắt, thâm quầng, đau hốc mắt và giảm thị lực thì nên đi khám ngay. Nếu mắt mờ đi, có thể đã bị áp xe hốc mắt, càng không thể coi thường.

 

Bình luận (0)